Lý giải về nguyên nhân cá tra rớt giá, các nhà máy chế biến cho rằng: "Đang lúc thị trường xuất khẩu khó khăn, nhà máy giảm công suất chế biến thì nông dân lại vào mùa thu hoạch rộ diện tích nuôi cá, nên chuyện cá rớt giá là theo qui luật thị trường".
Ảm đạm
Hiện nay, tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ có nhiều hầm cá đã tới lứa nhưng nông dân chưa bán được. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở đây vẫn chưa tăng công suất sản xuất và tăng giá thu mua.
Do hầu hết chi phí thức ăn cho cá, diện tích thuê đất để đào ao nuôi cá... tăng từ 20 đến 30%, trong khi giá thu mua cá thịt trắng loại I trên thị trường dao động từ 11.200 - 11.500 đồng/kg, với giá bán như thế này thì ngư dân đang bị thua lỗ nặng.
ĐBSCL hiện có gần 5.000 ha mặt nước nuôi cá tra, với hơn 100 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất chế biến đạt gần 700.000 tấn/năm. Trong đó gần 50 nhà máy chế biến cá tra có công suất thiết kế đạt hơn 300.000 tấn/năm, Trong những tháng đầu năm, ĐBSCL có thêm khoảng 5 nhà máy chế biến thủy sản đi vào hoạt động. Xét về năng lực chế biến thì hiện nay sản lượng cá tra đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến.
Theo thống kê của Bộ Thuỷ sản từ năm 2004 đến nay, giá xuất khẩu mặt hàng cá tra chế biến luôn đạt từ 3,5-4 USD/kg. Theo tính toán của doanh nghiệp chế biến thủy sản thì tỷ lệ thu hồi sản phẩm đối với mặt hàng cá tra là 1/2,8 (chế biến 2,8 kg cá tra sẽ thu hồi được 1 kg thành phẩm). Như vậy giá thành phẩm trước chi phí sản xuất, thuế 1kg thành phẩm mặt hàng cá tra khoảng 35.000 đồng/kg (bằng 54% so với giá xuất khẩu). Giá xuất khẩu ổn định, nguyên liệu cung chưa vượt cầu, vậy sao lại có tình trạng giá nguyên liệu cá tra rớt thê thảm?
Cùng thời gian này, với 500.000 ha nuôi tôm sú ở ĐBSCL cũng đồng cảnh ngộ ảm đạm với con cá tra, mới vào vụ thu hoạch mà tôm sú giá đã rớt. Tại Trà Vinh, Cà Mau tôm sú loại 40 con/kg (loại nhiều nhà máy chế biến cần) chỉ còn ở mức giá 85.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so ít ngày trước đó. Tôm sú các loại khác cũng giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Riêng đối với con tôm sú, những năm sản lượng đạt cao nhất cũng chỉ đáp ứng 70% nguyên liệu cho nhà máy, hầu như chưa bao giờ có tình trạng cung vượt cầu. Và năm nay, diện tích nuôi tôm sú trong cả nước chỉ còn gần 600.000 ha, giảm hơn 10.000 ha so với năm 2005.
Nguyên nhân giảm diện tích nuôi tôm sú là do nông dân nuôi thâm canh nhiều năm, môi trường bị ô nhiễm nên nhiều ao nuôi tôm ở Cà Mau, Sóc Trăng và một số tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ như: Quảng Ninh, Hải Phòng đang bùng phát dịch bệnh.
Doanh nghiệp liên kết khống chế giá thu mua?
Qua tìm hiểu, tôm sú qua chế biến đạt 11-15 USD/kg, và có tỷ lệ thu hồi là 1/1,6. Đối với mặt hàng tôm, thì với giá tôm sú trên thị trường như hiện nay, giá thành sản xuất trước khi trừ chi phí và thuế cũng chỉ khoảng 140.000 đồng/kg (bằng 72% so với giá xuất khẩu). Do vậy, với giá thu mua tôm sú trên thị trường do doanh nghiệp đưa ra là không thỏa đáng đối với ngư dân.
Theo dự báo của ngành thủy sản, sản lượng tôm sú năm nay sẽ giảm mạnh, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy, trong khi chúng ta hiện có nhiều nhà máy chế biến tôm với công suất đạt 400.000 tấn/năm.
Có thể nói thời gian qua, giá cả các mặt hàng nguyên liệu thủy sản trong nước nói chung và ĐBSCL nói riêng, không phải do sự chi phối bởi quy luật cung cầu mà chịu sự tác động chủ quan của doanh nghiệp chế biến, điều đó thể hiện ở chỗ: vào thời điểm nhiều doanh nghiệp có nhiều hợp đồng xuất khẩu, để có đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến họ tự "đấu đá" nhau để tranh mua nguyên liệu, hầu thỏa mãn các hợp đồng đã ký, lúc đó nông dân sẽ được lợi.
Ngược lại, ở thời điểm doanh nghiệp có ít đơn đặt hàng xuất khẩu thì họ cùng liên kết nhau để hạ giá thu mua nguyên liệu. Thực trạng này đã làm cho diễn biến thị trường nguyên liệu thủy sản ở ĐBSCL "nóng, lạnh" thất thường và người nuôi thủy sản phải gánh chịu nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thuỷ sản tỉnh An Giang, có nhiều nguyên nhân làm giá cá sụt giảm.
Thứ nhất, thông thường sau mỗi kỳ hội chợ hàng thuỷ sản tại Bỉ bao giờ giá cá trong Nhà nước cũng sụt, các doanh nghiệp đi dự hội chợ đều muốn ký được hợp đồng nên kéo giá cá xuống. Thứ hai, hiện nay là mùa thu hoạch cá hồi, cá nheo... của một số nước nhập khẩu filet cá tra của Việt Nam, nên họ đã hạn chế lượng cá nhập khẩu. Thứ ba, do vào thời điểm giá cá cao, có một số ngư dân ghim hàng không bán, đến khi giá cá sụt thì ùn ùn kêu bán, vô tình đẩy giá cá sụt giảm thêm.
Vẫn theo ông Thạnh, từ trước tới nay, khi thị trường tăng giá thì có nguồn thông tin cho rằng ngư dân ghim hàng, và khi giá cá sụt giảm thì dư luận cho rằng doanh nghiệp chế biến ép giá ngư dân. "Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì chúng ta nên sớm tạo dựng mối liên kết giữ ngư dân và doanh nghiệp, khi mối quan hệ nầy được thiết lập tốt sẽ giải quyết mọi mâu thuẫn của vấn đề. Và mô hình nầy đang phát triển ở tỉnh An Giang", ông Thạnh nói.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ Thương mại cần xây dựng một cơ chế giám sát về giá thu mua nguyên liệu thủy sản của doanh nghiệp chế biến, nhằm khống chế tình trạng doanh nghiệp liên kết "đè" giá thu mua thủy sản nguyên liệu của nông dân.
Nguyễn Huyền - Phú Khởi (Theo vneconomy.vn)