Hơn 2 tuần trước, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) công bố thông tin về kết quả của Đoàn thanh tra Cục kiểm dịch động , thực vật Liên bang Nga (VPSS) tại Việt Nam từ ngày 8 – 18/7/2007. Theo đó, VPSS tỏ sự hài lòng về hồ sơ theo dõi quá trình nuôi, kỹ thuật xử lý ao, quy trình kiểm soát quá trình nuôi thủy sản cũng như điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, là việc nghiêm túc khắc phục các khuyến cáo của Đoàn thanh tra VPSS nêu trong chuyến thanh tra hồi tháng 3-2007. “Đón đầu” thị trường Nga “ăn hàng” trở lại, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đang đẩy mạnh việc thu mua, chế biến.
Sau khi đạt 14.000 đồng/kg chưa đầy 1 tuần, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL bắt đầu giảm giá bởi thị trường Nga chưa có dấu hiệu “động tĩnh”. Trong khi đó, kho chứa nguyên liệu của các doanh nghiệp không còn khả năng dự trữ. Tuần qua, giá cá tra nguyên liệu các loại ở ĐBSCL giảm 200 – 600 đồng/kg. Theo thông tin từ Sở Thương mại An Giang, ngày 9-8, cá tra loại thịt trắng có giá 13.200 – 13.400 đồng/kg, giảm 500-600 đồng/kg so với tuần trước; cá tra thịt vàng 12.500 – 12.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; cá thịt hồng 12.800 – 12.900 đồng/kg, giảm 200-400 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ, vào sáng ngày 10-8, theo thông tin từ các hộ nuôi cá tra ở quận Ô Môn, nhiều doanh nghiệp thỏa thuận mua cá tra nguyên liệu loại thịt trắng. Mới đây, ngày 7-8, thông tin từ Vasep, Cơ quan Giám sát nông sản Nga Rosselkhoznazdor đã quyết định nhập lại cá và sản phẩm cá của 11 doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp không thể ký kết hợp đồng với giá thấp vì lượng tồn kho sản phẩm ngay thời điểm cá nguyên liệu 13.800 – 14.000 đồng/kg còn rất lớn.
Cũng giống như thị trường cá tra, thị trường con tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL mấy tháng qua cũng lên, xuống thất thường. Đầu tháng 8, trong khi tôm sú nguyên liệu ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang tăng giá thì tại Bạc Liêu tôm sú nguyên liệu lại giảm giá. Tôm loại 30 con/kg có giá từ 104.000-106.000 đồng/kg, loại 40 con giá từ 80.000-84.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với đầu vụ. Song đến ngày 8-8, tại Bạc Liêu, giá tôm nguyên liệu gia tăng trở lại. Cụ thể: tôm sú loại 30 con/kg giá 120.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 85.000 đồng/kg. Tại Cà Mau, ngày 10-8, giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg được thu mua với giá 155.000 đồng/kg, tôm loại 30 con/kg giá 108.000 đồng/kg và loại 40 con/kg là 88.000 đồng/kg. Với mức này, giá tôm tăng 5.000 – 7.000 đồng/kg so với cuối tháng 7-2007. Giá đang tăng cao, nguồn tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng 50% công suất của các doanh nghiệp chế biến ở Cà Mau.
Nguyên nhân dẫn đến sự biến động giá tôm sú nguyên liệu thời gian cuối tháng 7 đầu tháng 8 do các nước khác trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… cũng đang vào vụ thu hoạch rộ tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Mặt khác, khi Nhật Bản cảnh báo về dư lượng chất kháng sinh đối với sản phẩm tôm Việt Nam thì thị trường tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL giảm giá. Vào ngày 8-8, thông tin từ VASEP, Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (Nafiqaved) vừa gửi tới Tổng cục Hải quan danh sách 71/347 doanh nghiệp được miễn kiểm tra hóa chất kháng sinh cấm khi xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm sang thị trường Nhật Bản (có 35 doanh nghiệp ở ĐBSCL), tôm nguyên liệu bắt đầu tăng giá. Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Thương mại- (Bộ Thương mại), hiện nay, do giá nguyên liệu tăng cao và dịch bệnh nên xuất khẩu tôm của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến. Vì thế, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường EU và Mỹ, vốn là thị trường tiêu thụ tôm từ Thái Lan.
* * *
Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ĐBSCL, thông lệ hàng năm, bắt đầu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, xuất khẩu thủy sản chuyển động mạnh vì nhu cầu sản phẩm thủy sản đông lạnh trên thế giới tăng. Cộng với những diễn biến như phân tích trên, ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, nhận định: “Xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ rất thuận lợi, nhưng sẽ đứng trước 3 thách thức lớn: an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến thiếu nguồn nguyên liệu an toàn và cạnh tranh gay gắt cả đầu vào lẫn đầu ra. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng, kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm chế biến, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, thống nhất không mua nguyên liệu kém chất lượng”.
Hy vọng rằng, những diễn biến từ thị trường Nhật, thị trường Nga... trong thời gian qua sẽ là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Từ đó, nâng vị thế cạnh tranh hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới.
THANH BÌNH (Theo vietlinh)