Bộ Thủy sản vừa Ban hành Quyết định số 06/QĐ-BTS, ngày 11 tháng 7 năm 2007 về việc áp dụng những biện pháp cấp bách kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm trong thuỷ sản xuất khẩu vào Nhật Bản.
Như vậy theo nội dung Quyết định nêu trên, thì có chỉ những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm của Bộ Thuỷ sản mới được phép xuất khẩu thuỷ sản vào Nhật Bản. Những doanh nghiệp này phải thực hiện kiểm tra chứng nhận nhà nước về dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm đối với 100% lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu và sản phẩm phối chế từ các loại nguyên liệu thuỷ sản nêu trên (sau đây gọi tắt là lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu) trước khi xuất khẩu vào Nhật Bản.
Các doanh nghiệp thuộc các trường hợp dưới đây sẽ không được phép xuất khẩu lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu vào Nhật Bản:
1. Doanh nghiệp đã có trên 02 lô hàng bị cảnh bảo kháng sinh cấm, có thêm lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm kháng sinh cấm;
2. Doanh nghiệp đã có từ 01 đến 02 lô hàng bị cảnh báo kháng sinh cấm, có thêm 02 lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm kháng sinh cấm.
3. Doanh nghiệp trước đây chưa bị cảnh báo, có thêm 03 lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm kháng sinh cấm.
Doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu trở lại lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu vào Nhật Bản sau khi có báo cáo xác định đúng nguyên nhân, thiết lập biện pháp khắc phục có hiệu quả và được Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thuỷ sản kiểm tra công nhận.
Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất lô hàng từ nguyên liệu nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra dư lượng hoá chất, kháng sinh cấp đối với 100% lô hàng thuỷ sản nhập khẩu làm nguyên liệu cho chế biến, đồng thời phải ghi rõ nguồn gốc xuất xử của nguyên liệu trong lô hàng thành phẩm khi xuất khẩu và lưu trữ đầy đủ thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.
Theo báo cáo xuất nhập khẩu thủy sản của các doanh nghịêp trên địa bàn, tính trong 08 tháng đầu năm 2007, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu Sóc Trăng đã xuất sang thị trường Nhật đạt trên 8% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chiếm gần 30% thị trường xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay Sóc Trăng đang vào mùa thu hoạch vụ tôm sú, các doanh nghịêp cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình thu mua nguyên liệu, kiên quyết không nhập những nguồn nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn góc, kém chất lượng chưa qua kiểm mẫu về dư lượng hóa chất, kháng sinh, để ngay từ khâu đầu đã có được nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho xuất khẩu đạt chất lượng cao./.
Nguyễn Đình Bảo (Nguồn vietlinh)