Cách đây 5 năm, tại thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu) tổ tàu thuyền an toàn đầu tiên ở Phú Yên được thành lập. Đây là sáng kiến, là kết quả của sự phối hợp tuyên truyền vận động của cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng và Hội Nông dân Phú Yên. Mô hình hoạt động này đã được nhân rộng ra toàn tỉnh và đem lại nhiều kết quả.

TỪ TỔ TÀU THUYỀN AN TOÀN ĐẦU TIÊN

Sau 5 năm kể từ ngày thành lập tổ tàu thuyền an toàn đầu tiên tại thôn Hòa Lợi, đến nay toàn tỉnh Phú Yên đã có 102 tổ tàu thuyền an toàn được thành lập với gần 1.000 phương tiện tham gia. Mô hình này đã được Ban Dân vận Trung ương đánh giá rất cao, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến ra toàn quốc.

Còn nhớ ngày ra mắt tổ tàu thuyền an toàn trời mưa nặng hạt, nhưng các thành viên trong tổ và bà con ngư dân đến dự rất đông. Thiếu tá Lê Quang Trưởng, Trưởng Đồn biên phòng 344 lúc bấy giờ (hiện là Trưởng Đồn biên phòng 352) công bố quyết định thành lập, dự thảo nội dung, quy chế hoạt động của tổ. Lần đầu tiên nghe cụm từ “tổ tàu thuyền an toàn” bà con ngư hơi bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần dân chủ, mỗi người góp một ý kiến xây dựng, cuối cùng quy chế, nội dung hoạt động của tổ tàu thuyền an toàn cũng hoàn chỉnh và được thông qua. Tổ tàu thuyền an toàn ra đời làm cho ngư dân thôn Hòa Lợi phấn khởi, bởi từ nay mỗi khi giong thuyền ra biển sẽ không còn cảm giác đơn độc, lẻ loi mà luôn có sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. An ninh trật tự trên biển, bến cá, nơi neo đậu, khu dân cư… cũng sẽ được đảm bảo hơn trước vì có nhiều người cùng tham gia bảo vệ.

Thượng úy Nguyễn Hữu Đạt, đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 344 phấn khởi cho hay: Từ tổ tàu thuyền an toàn đầu tiên với 9 phương tiện, gần 100 thuyền viên, qua 5 năm hoạt động, thôn Hòa Lợi đã có bốn tổ tàu thuyền an toàn với 49 phương tiện và hàng trăm thuyền viên tham gia. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh cho biết: Cùng với các tổ tàu thuyền an toàn, xã Xuân Cảnh cũng đã phối hợp với Đồn biên phòng 344 vận động thành lập, cho ra đời 23 tổ cộng đồng (chuyên nuôi trồng thủy sản) với gần 650 thành viên. Trước đây, khi chưa có tổ tàu thuyền an toàn, ngư dân không dám đánh bắt xa bờ và phương tiện chủ yếu là tàu công suất nhỏ. Từ khi tổ tàu thuyền an toàn ra đời, ngư dân liên kết làm ăn ngày càng hiệu quả, nhiều tàu công suất lớn được đóng mới, ngư trường đánh bắt ngày càng vươn xa. Hiện tại số phương tiện công suất từ 90 CV trở lên tại xã Xuân Cảnh đã vượt con số 10 và đang tiếp tục phát triển.

Không riêng gì thôn Hòa Lợi, tại các làng cá ven biển trên địa bàn huyện Sông Cầu, số tổ tàu thuyền an toàn cũng ngày một tăng lên. Thiếu tá Lê Văn Chiến, Chính trị viên Đồn biên phòng 344 cho biết, đến nay toàn huyện đã có 37 tổ tàu thuyền an toàn. Riêng bốn xã ven biển do Đồn biên phòng 344 quản lý gồm: Xuân Thịnh, Xuân Hải Xuân Hòa, Xuân Cảnh có 21 tổ, với 221 phương tiện và 500 thuyền viên. Trong đó, nhiều nhất là xã Xuân Thịnh có chín tổ với 83 phương tiện.

NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH HIỆU QUẢ

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, khẳng định: Sau khi được thành lập, nhìn chung các tổ tàu thuyền an toàn đều hoạt động có hiệu quả. Thành viên trong tổ và các tổ không chỉ thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau, mà còn thường xuyên giữ liên lạc với đồn biên phòng. Khi phương tiện nào chẳng may gặp sự cố chết máy, thủng vỏ… nhận được tin, phương tiện ở gần sẽ đến hỗ trợ, lai dắt vào nơi tránh trú an toàn. Chỉ từ năm 2008 đến nay, các thành viên trong tổ tàu thuyền an toàn trên địa bàn do Đồn biên phòng 344 quản lý đã hỗ trợ giúp đỡ nhau kéo được 30 phương tiện bị nạn ngoài biển vào bờ an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, thành viên các tổ tàu thuyền an toàn cũng đã cung cấp cho Đồn biên phòng 344 gần 40 nguồn tin có giá trị, trong đó có hơn 10 tin về sử dụng thuốc nổ đánh bắt, khai thác hải sản trái phép; tham gia bảo vệ vùng biển, kịp thời xua đuổi các tàu lạ xâm nhập trái phép. Thiếu tá Lê Văn Chiến cho biết thêm, thời gian qua, nhờ có “tai mắt” từ các tổ tàu thuyền an toàn, đồn nắm chắc tình hình trên biển, kịp thời ngăn chặn hàng chục lượt phương tiện khai thác san hô, hành nghề giã cào, pha xúc trái phép; sử dụng các nghề cấm khai thác như lờ bóng Thái Lan... Gần đây, từ nguồn tin của các thành viên trong tổ tàu thuyền an toàn, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 344 đã mật phục bắt quảû tang Nguyễn Thế Tuấn, Nguyễn Văn Cường cùng bảy đối tượng khác (đều cư trú tại Nha Trang - Khánh Hòa) dùng chất nổ đánh bắt hải sản trái phép tại cửa đầm Cù Mông. Khám xét phương tiện của các đối tượng này, lực lượng chức năng đã thu được 25kg thuốc nổ, 58 kíp nổ, nhiều dây cháy chậm, dây mồi và một số vật dụng khác phục vụ cho việc khai thác hải sản bằng thuốc nổ. Vụ việc đã được bàn giao và đang được cơ quan công an thụ lý, giải quyết theo pháp luật.

Thành công lớn nhất của mô hình tổ tàu thuyền an toàn theo thiếu tá Lê Văn Chiến, là đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó giữa bà con ngư dân với nhau trong khai thác đánh bắt hải sản. Cũng từ tổ tàu thuyền an toàn bà con ngư dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm và trên vùng biển đảo. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả thiết thực, do còn có tâm lý sợ trả thù nên một số thành viên tổ tàu thuyền an toàn không dám hoặc chưa mạnh dạn cung cấp thông tin tố giác tội phạm; không báo cáo kịp thời tình hình diễn biến trên biển cho bộ đội biên phòng. Một số chủ phương tiện khi phát hiện được luồng cá không thông báo cho nhau để cùng khai thác... Vì vậy, cùng với các đơn vị bạn, trong thời gian tới Đồn biên phòng 344 sẽ đẩy mạnh công tác vận động quần chúng để ngư dân thấy rõ hơn ý nghĩa, mục đích của việc tham gia tổ tàu thuyền an toàn.

XUÂN HIẾU (Nguồn vietlinh)