Con tôm Việt Nam lại đang phải đối mặt với khó khăn do các rào cản thương mại ở các thị trường thế giới.

Khó khăn mới đây tại thị trường Úc, cộng thêm sự cạnh tranh dữ dội từ các nước trong khu vực, đã khiến tình hình xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam không mấy sáng sủa trong những tháng cuối năm.

Rào cản thương mại của Úc?

“Các sản phẩm tôm chế biến của Công ty xuất sang Úc đang có chiều hướng giảm”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) than vãn. Tuy rằng trong năm 2006, Úc chỉ chiếm 6,69% thị phần của Công ty, nhưng đây lại là thị trường mà ông Quang đang rất kỳ vọng bởi đầy tiềm năng và mức tăng trưởng vừa qua đạt khá cao.

Rắc rối tại thị trường Úc phát sinh vào đầu tháng 10-2007, khi mà nước này áp dụng các biện pháp kiểm dịch tạm thời đối với tôm và các sản phẩm từ tôm nhập khẩu. Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các biện pháp kiểm dịch mới xoáy vào bốn loại virus gây các bệnh gồm hội chứng Taura (TSV), bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh vàng đầu (YHV) và một loại bệnh hoại tử (IHHNV). Đây là những loại virus nằm trong tôm nuôi, nhưng chỉ xuất hiện theo thời điểm. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam lại chưa có đủ các điều kiện cần thiết để quản lý và kiểm soát những chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, ngay từ khi còn là dự thảo, quyết định áp dụng biện pháp kiểm dịch mới của Úc đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan. Hiện nay, các nước này đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên WTO vì cho rằng đây thực chất chỉ là rào cản thương mại trá hình nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa của Úc, bởi thực tế vẫn chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh các sản phẩm tôm nhiễm các chất trên có thể gây hại cho người sử dụng.

Mới đây, VASEP đã có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nghiên cứu, kết hợp với các nước xuất khẩu tôm trong khu vực có ý kiến đối với quyết định trên của Úc, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trước mắt, tốc độ xuất khẩu tôm sang thị trường này đã có dấu hiện chựng lại.

Lo chuyện tương lai

Thực ra, rắc rối tại thị trường Úc chỉ là giọt nước tràn ly, bởi dù đầy tiềm năng nhưng thị trường này mới chiếm 4,9% kim ngạch xuất khẩu tôm và 3,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong chín tháng đầu năm 2007. Nỗi lo nhất hiện nay chính là sự tụt giảm kim ngạch xuất khẩu tôm gần 20% về khối lượng và 18% về trị giá tại thị trường Nhật trong mười tháng qua. Còn ở thị trường EU, sự tụt giảm cũng được thể hiện rõ với 7% về lượng và 2% về trị giá. Còn Mỹ, dù đã vượt qua Nhật để trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, nhưng mức tăng trưởng lại chính nhờ giá bán tăng bình quân từ 12,04 lên 13,14 đô la Mỹ/ki lô gam chứ thực tế khối lượng xuất lại giảm.

Tại Hội nghị “Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam” vừa tổ chức tại TPHCM hồi đầu tháng này, các doanh nghiệp cũng dành rất nhiều thời gian để thảo luận về các thay đổi của thị trường và khả năng đáp ứng của ngành tôm Việt Nam. Việc áp dụng các tiêu chuẩn kiểm tra chặt chẽ về chất lượng sản phẩm nhập khẩu tại nhiều nước đã khiến tôm xuất khẩu Việt Nam gặp khó, nhưng theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân chính lại là hệ quả của sự chậm chân so với các nước trong khu vực.

Thời gian gần đây, nhiều nước nuôi tôm đã chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Như Thái Lan, hiện đã có khoảng 98% diện tích thả nuôi loại tôm này. Và nhu cầu thị trường lại chuyển biến theo hướng bất lợi cho con tôm sú của Việt Nam khi các nước nhập khẩu lại đang ưa chuộng tôm thẻ chân trắng. Ngay cả Nhật, từ thái độ “lạnh nhạt” nay lại “vồn vã”, tiêu thụ khá nhiều. Tại hội chợ hoặc các nhà hàng lớn ở nước ngoài, tôm thẻ chân trắng đang là lựa chọn hàng đầu.

Với công nghệ hiện đại, các nước như Thái Lan... đã nuôi thành công tôm thẻ chân trắng cỡ lớn, chiếm lĩnh dần thị phần của tôm sú Việt Nam nhờ giá rẻ hơn từ 10- 15% và chất lượng lại ổn định...

“Tôm thẻ chân trắng có thể thu hoạch sau 2,5-3 tháng thả nuôi, trong khi tôm sú phải từ 4-5 tháng”, ông Hải cho biết. Và lợi thế để có thể cạnh tranh mạnh với tôm sú Việt Nam chính là năng suất tôm thẻ chân trắng khá cao, có thể đạt từ 25- 30 tấn/héc ta.

Phía VASEP vừa kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét lại lệnh cấm nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng ĐBSCL đã ban hành trước đây, nhằm có định hướng phát triển loại tôm này tại Việt Nam. “Trước đây, việc nuôi thử nghiệm không thành công chỉ vì thiếu con giống sạch bệnh, kỹ thuật còn mới mẻ... Nay thì những điều kiện để phát triển loại tôm này đã chín muồi!”, ông Hải khẳng định.

Cũng theo ông Hải, nếu được triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân sẽ có thêm sự lựa chọn cho ao nuôi của mình, còn doanh nghiệp lại có điều kiện “theo kịp” thị trường, đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm từ con tôm.

Hồ Hùng (Nguồn vasep)