Ngư dân và nhiều cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu (XK) tại các tỉnh ven vùng Tây Nam nước ta đang đặc biệt quan tâm đến thông tin UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương trình Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm khai thác, thu gom, chế biến và bảo quản cá nóc để XK sang thị trường Hàn Quốc.

Chiều 15/10, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Đề án thí điểm khai thác, thu gom, chế biến, bảo quản cá nóc không độc để XK (gọi tắt là Đề án) đã triển khai ở Nghệ An. Sau khi Hội nghị đánh giá hiệu quả đề án này vào tháng 5/2009, Bộ NN&PTNT đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương chọn mở rộng đề án ra các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kiên Giang để tiếp tục thực hiện thí điểm.

Trước khi UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản kể trên, một số doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đã đến Kiên Giang khảo sát và làm việc với các DN chế biến thủy sản đặt mua một số loài cá nóc không độc XK sang thị trường nước này.

Các chuyên gia cá nóc Hàn Quốc đã sang nước ta  hướng dẫn cách phân loại, định danh, chế biến và phân tích độc tố cá nóc. Qua nghiên cứu 19 loài cá nóc Việt Nam thu được tại Khánh Hòa, các chuyên gia của bạn chọn được 6 loài có thể dùng làm thực phẩm tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai thí điểm tại địa bàn 2 tỉnh: Nghệ An và Bình Định, khó khăn mà các địa phương trên gặp phải là tỷ lệ cá nóc đạt chuẩn quá thấp. Đến đầu năm 2009, Công ty CP Thủy sản Nghệ An mới có được container xuất khẩu đầu tiên với 10 tấn cá nóc đông lạnh. Hàn Quốc chỉ đồng ý cấp chứng thư nhập khẩu cho DN Nghệ An loại cá nóc mút đuôi trắng hay còn gọi là cá nóc bạc (Lagocephalus Gloveri) và cá nóc xanh (L. Wheeleri).

Còn tại Công ty CP Thủy sản Bình Định, sản lượng cá nóc tại các bến thu được hàng ngày chỉ khoảng 300-500kg nhưng tỷ lệ đạt tiêu chuẩn XK chỉ khoảng 20-25%. Ngư dân giải thích rằng do lâu nay bà con coi cá nóc chỉ là sản phẩm phụ (thường dùng làm phân bón, thức ăn cho cá hoặc làm mồi để câu cá ngừ đại dương) nên bà con không quan tâm lắm về chủng loại. Vả lại thiết bị đánh bắt cá nóc quá thiếu. Giá cả cá nóc XK còn rất thấp nên giá thu mua cũng thấp, ngư dân không muốn bán.

Với vùng đánh bắt rộng lớn, ngư dân vùng biển Tây Nam hy vọng sẽ góp phần mang ngoại tệ về cho đất nước từ con cá nóc.

Phó Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Bùi Văn Thưởng cho biết, biển Đông có 53 loài cá nóc nước mặn. Trong đó, vịnh Bắc bộ 24 loài, Trung bộ 33 loài, Đông Nam bộ 15 loài, vịnh Thái Lan 8 loài và quần đảo Trường Sa 9 loài. Độc tố cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetrdotoxin (TTX), thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, có tính bền nhiệt lớn và khả năng gây tử vong cao. Độc tố từng loài cá nóc khác nhau và ở từng bộ phận lại có độc tố khác nhau; nó thay đổi theo mùa, môi trường sống và giai đoạn phát triển của cá.

Theo thống kê của Hội Nghề cá Việt Nam, từ năm 1999 đến 2003, do chế biến không đảm bảo VSATTP, cả nước đã xảy ra 176 vụ ngộ độc thực phẩm cá nóc làm 737 người phải nhập viện, gây tử vong 127 người. Chúng tôi được biết, hiện nay việc cấm đánh bắt, vận chuyển, chế biến từ cá nóc của Chính phủ vẫn còn hiệu lực. Việc Kiên Giang xin chủ trương thí điểm tổ chức thu gom, chế biến và xuất khẩu cá nóc không độc là thông tin vui.

Nếu được Chính phủ cho phép, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ có điều kiện hơn so với các địa phương thí điểm trước đó. Tỉnh đã dự tính kế hoạch giao Sở NN&PTNT giám sát việc thực hiện hợp đồng chế biến, XK cá nóc; phối hợp với đối tác nhập khẩu tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân khai thác, thu gom, vận chuyển, chế biến về các quy định, tiêu chuẩn, quy phạm về VSATTP nói chung và về cá nóc nói riêng. Quan trọng nhất là tập huấn cho đối tượng ngư dân, cán bộ công nhân các doanh nghiệp làm thí điểm về phân loại, nhận biết cá nóc độc, không độc và kỹ thuật xử lý, chế biến cá nóc XK...

Các nhà khoa học cũng cần khẩn trương trong việc xác định mức độ độc tố TTX của từng loài cá nóc; việc chiết xuất TTX phục vụ công nghệ dược phẩm nhằm tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, cũng cần được lưu tâm.

Không riêng gì Hàn Quốc, nhiều nước Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, cá nóc được xem là loài hải sản có giá trị. Những loài cá nóc có độc tố họ vẫn chế biến được do có trình độ chế biến ở kỹ thuật cao. Món cá nóc ở quốc gia này được xem là một đặc sản biển, phần lớn dành phục vụ giới thượng lưu, tất nhiên những cơ sở kinh doanh sản phẩm cá nóc phải được phép của cơ quan thẩm quyền. Tại Nhật Bản, cá nóc được xem như là "vua của các loài cá" nên họ có hẳn một nền văn hóa ẩm thực về cá này. Việc nuôi cá nóc tại Nhật có từ năm 1973. Và mỗi năm, Nhật thu khoảng 170 triệu USD từ nguồn cá nóc.

www.cand.com.vn