Trong xu thế chung phát triển nghề cá biển trên thế giới, nuôi biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn so với đánh bắt. Xu thế này cũng thể hiện rất rõ trong cơ cấu nghề cá biển nước ta khi nuôi biển (nuôi trồng thủy sản biển) ngày càng thay thế đánh bắt do nguồn lợi hải sản tự nhiên cạn dần. Các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần phải triển khai sớm và mạnh hơn nữa quy hoạch phát triển nuôi biển, mới tương xứng với tiềm năng và lợi thế là quốc gia biển với vùng đặc quyền kinh tế biển rộng hơn một triệu km vuông.

Trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nước ta chủ yếu ở vùng nước nông ven bờ và trên 3.640 km đường bờ biển và bờ đảo khúc khuỷu tạo nên các sinh cảnh đa dạng dọc theo các tuyến đảo - vũng - vịnh nhỏ, rất thích hợp phát triển nuôi biển. Đó là chưa kể tiềm năng nuôi biển ở vùng cửa sông, với khoảng 112 cửa sông đổ trực tiếp ra biển đông và một hệ thống gồm 12 đầm phá lớn nhỏ rất thích hợp cho nuôi biển.

Mời dân nuôi biển

Nhà nước đã có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển. UBND các tỉnh, thành phố đã được phân cấp giao cho tổ chức và hộ cá nhân có nhu cầu sử dụng thuê mặt nước biển và đất trên đảo để yên tâm đầu tư phát triển nuôi biển lâu dài. Các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho các đối tượng có yêu cầu. Chính quyền có nhiều biện pháp hỗ trợ lãi suất vốn vay và ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm cho các dự án nuôi biển khả thi. Hiện có cá giò, nghêu, ngao biển, rong sụn và tôm hùm là bốn đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, đã được xác định cần tập trung nghiên cứu và đầu tư phát triển, tạo bước đột phá ban đầu, phù hợp với điều kiện tự nhiên về môi trường và nguồn lợi của từng vùng. Tuy vậy, đến nay vẫn còn không ít lý do khiến nuôi biển chưa thực sự tạo được niềm tin cho người dân an tâm đầu tư. Trước hết, phải kể tới việc nuôi biển hiện vẫn dựa chủ yếu vào con giống tự nhiên, do sản xuất con giống nhân tạo chưa đủ đáp ứng. Lượng thức ăn chủ yếu cũng dựa vào lượng cá tạp đánh bắt từ biển. Công nghệ thiết kế lồng nuôi còn nhiều hạn chế, hàng năm bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào với tần suất cao và cường độ mạnh làm thiệt hại rất lớn đến nuôi biển. Thị trường đầu ra của các sản phẩm nuôi từ biển luôn bị động. Cuối năm 2008 vừa qua, giá tôm sú đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Công nghệ nuôi và quản lý, chăm sóc các đối tượng nuôi biển ở nước ta cũng còn yếu trong khi đầu tư ban đầu cho nuôi biển khá cao, không phải ai cũng đầu tư được.

Quy hoạch còn đuối

Trên thực tế, vấn đề quy hoạch biển cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Chỉ một số địa phương đã xây dựng xong quy hoạch phát triển nuôi biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cà Mau... Còn phần lớn các tỉnh ven biển đã có quy hoạch phát triển ngành thủy sản trong đó nhấn mạnh đến định hướng phát triển nuôi biển, nhưng lại chưa có quy hoạch chi tiết, hay quy hoạch riêng cho phát triển nuôi biển. Quy hoạch hạn chế còn do mâu thuẫn lợi ích đa ngành trong một vùng biển quy hoạch, như phát triển du lịch với phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở một số vùng vịnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa... Thiếu cơ chế phối hợp để gắn kết xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư nên khả năng phối hợp liên ngành rất hạn chế. Đây là những khó khăn lớn nhất trong việc lập quy hoạch kế hoạch phát triển nuôi biển một cách toàn diện và đồng bộ.

Thanh Như (Nguồn www.monre.gov.vn)