1. ĐẶT VẤN ĐỀ 

Thời gian qua, lĩnh vực chế biến thuỷ sản ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, hiện có trên 400 doanh nghiệp với trên 550 cơ sở chế biến thuỷ sản (CBTS) quy mô công nghiệp, Năm 2007 kim ngạch xuất khẩu đạt mức 3,75 tỷ USD, năm 2008 tăng lên 4,27 tỉ USD. Hiện VN đang đứng thứ  8 về giá trị xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Khi Việt Nam gia nhập WTO, lĩnh vực chế biến -  xuất khẩu TS đã có những chuyển biến rõ rệt, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn XK vào những thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.. tăng gấp 2 lần. Mặt khác, Cùng với những vấn đề về Thị trường, Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.v.v. lĩnh vực Chế biến - xuất khẩu thuỷ sản ở Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề về ô nhiễm, quản lý  và bảo vệ môi trường…..Hiện nay, công tác quản lý môi trường (QLMT) của các xí nghiệp CBTS đã có những chuyển biến bước đầu, nhiều cơ sở CBTS có hệ thống xử lý nước thải (HT XLNT) đạt yêu cầu chất lượng. Những cơ sở mới được xây dựng nằm trong quy hoạch đã xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã có các giải pháp xử lý giảm thiểu và khắc phục ô nhiễm môi trường (ONMT): chất thải rắn, nước thải, khí thải… hầu hết cơ sở CBTS xuất khẩu đã áp dụng chương trình đảm bảo chất lượng – vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất sạch hơn (SXSH), kiểm toán, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu…

Sự phát triển của khoa học - kỹ thuật đã tạo ra những giải pháp và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường ngày càng tiến tiến, hiệu suất xử lý ngày càng nâng cao. Xu hướng chung hiện nay là khuyến khích áp dụng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên như: áp dụng SXSH, áp dụng bộ tiêu chuẩn môi trường ISO 14000… Trong lĩnh vực Chế biến thuỷ sản, những giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường được tiến hành theo hai hướng cơ bản: Chủ động giảm lượng chất thải ngay trong quá trình sản xuất và áp dụng những công nghệ xử lý chất thải hiện đại; đồng thời áp dụng   các quy phạm sản xuất, quy phạm vệ sinh và hệ thống quản lý Môi trường tiên tiến… Tuy nhiên, vấn đề ONMT trong lĩnh vực CBTS vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nơi  còn thiếu các biện pháp quản lý hoặc không kiểm soát được…

Thời gian qua, Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ lĩnh vực Chế biến thuỷ sản về Bảo vệ môi trường. Cụ thể: 

1. Giai đoạn 2000 - 2005, trong chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản Việt Nam (FSPS), chương trình cải thiện chất lượng và xuất khẩu thuỷ sản (SEAQIP II) đã tổ chức các khoá đào tạo nhận thức về quản lý môi trường (QLMT), đào tạo kỹ thuật cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện SXSH, xử lý nước thải, tiết kiệm năng lượng, QLMT theo ISO 14001, …

- Về thực hiện SXSH, hợp phần SEAQIP đã hỗ trợ 21 doanh nghiệp (DN), bao gồm: 2 DN ở miền Bắc, 3 DN ở miền Trung và 16 DN ở khu vực miền Nam. Có 1.159 giải pháp được thực hiện và kết quả rất khả quan:
            - Việc áp dụng hệ thống ISO 14001, hợp phần SEAQIP đã hỗ trợ tư vấn cho 5 DN Chế biến thuỷ sản áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001, đến cuối tháng 10/2005, có 3 DN đã hoàn thành bước đánh giá nội bộ và được cấp chứng nhận ....

2. Từ năm 2004, ngành Thủy sản đã triển khai các hoạt động điều tra, đánh giá hiện trạng và tình hình ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực Chế biến thuỷ sản; Các nhiệm vụ điều tra, đánh giá trình độ công nghệ và xây dựng, ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý, Bảo vệ môi trường…

3. Năm 2006 - 2007, ngành Thuỷ sản đã triển khai nhiệm vụ: Đánh giá việc thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; lĩnh vực CBTS có 35/255 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 15%) cần phải xử lý triệt để bằng các hình thức: di dời giải toả, đóng cửa, xây dựng HTXL…

- Đồng thời, trong quá trình triển khai,  nhiệm vụ đã tổ chức một số khoá đào tạo, tập huấn, tư vấn, thực hiện xử lý ô nhiễm, xây dựng hướng dẫn lập ĐTM; hỗ trợ 05 cơ sở CBTS áp dụng sản xuất sạch hơn, giới thiệu về bộ tiêu chuẩn ISO 14001....

            Kết quả thực hiện nhiệm vụ cho thấy: Bên cạnh những kết quả mà các địa phương và doanh nghiệp CBTS đạt được trong công tác Bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động CBTS còn diễn ra rất phức tạp; nhiều cơ sở mới phát sinh ô nhiễm ở mức độ khác nhau.... theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có gần 200 cơ sở mới phát sinh ô nhiễm, cần phải được xử lý đến năm 2012.

            Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, những khó khăn thách thức đối với công tác BVMT trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thuỷ sản chủ yếu là:

- Về cơ chế chính sách và công cụ QLNN về BVMT: đã có chiến lược, chương trình hành động BVMT và các hoạt động quan trắc cảnh báo môi trường;... nhưng, cần có một hệ thống các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp để đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài xử lý những vấn đề môi trường phát sinh,…

- Đối với cơ quan QLNN chuyên ngành: Hệ thống quản lý về môi trường đối với lĩnh vực CBTS và ngành còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập…Hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về môi trường đối với lĩnh vực CBTS hầu như chưa có. Do đó, cần xây dựng, kiện toàn bộ máy,  bổ sung cán bộ… cần có chương trình đào tạo, tập huấn để trang bị những kiến thức về quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) chuyên ngành...

- Đối với các doanh nghiệp, cơ sở CBTS: Những khó khăn trong sản xuất và thị trường…là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp khi phải chi phí cho vấn đề Bảo vệ môi trường. Thiếu thông tin, hiểu biết về nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường, nên không tự giác thực hiện việc giảm thiểu và xử lý ONMT; hầu hết các DN chưa xác định được: công tác BVMT vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Đồng thời, Công nghệ sản xuất và trình độ quản lý còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng chi phí lớn, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh,… Mô hình quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) theo hướng  ngăn ngừa, giảm thiểu, tận thu và xử lý ô nhiễm chưa được áp dụng rộng rãi do thiếu thông tin, những điều kiện và cơ chế khuyến khích phù hợp.

            Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp CBTS về công tác BVMT… nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở CBTS và cơ quan QLNN về thuỷ sản thực hiện tốt công tác BVMT, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (ONMT) theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg; Đồng thời tiếp cận, tham gia các chương trình quản lý môi trường, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

2. MỤC TIÊU CỦA NHIỆM VỤ

Mục tiêu lâu dài:

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của ngành thuỷ sản.

Mục tiêu trước mắt:

- Hỗ trợ các cơ sở CBTS gây ô nhiễm môi trường xử lý triệt để theo yêu cầu của Quyết định 64/2003/QĐ-TTg trong giai đoạn đến 2010 và 2012.

            - Hỗ trợ các cơ sở CBTS thực hiện và duy trì các hoạt động ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm; bảo đảm các tiêu chuẩn về BVMT trong quá trình sản xuất trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế (đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường).

- Hỗ trợ các cơ quan QLNN về thuỷ sản địa phương về đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ BVMT trong lĩnh vực chế biến và các lĩnh vực khác của ngành Thuỷ sản (30 tỉnh, thành phố).

- Các doanh nghiệp CBTS có đủ điều kiện, được tham gia chương trình  SXSH, áp dụng bộ tiêu chuẩn về QLMT (ISO 14001) và nâng cao nhận thức, trình độ quản lý bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập (25 cơ sở áp dụng SXSH, 5 cơ sở áp dụng ISO 14001).

3. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA NHIỆM VỤ

3.1. Tổng hợp và thu thập thông tin, dữ liệu chung trong các ngành (Thuỷ sản, TN & MT…) và các địa phương về vấn đề môi trường của doanh nghiệp, cơ sở CBTS:

- Tổng hợp những thông tin, số liệu điều tra, đánh giá về: Hiện trạng QLMT; hiện trạng sản xuất và thực hiện nhiệm vụ BVMT lĩnh vực Chế biến thuỷ sản.

- Điều tra bổ sung tình hình phát sinh ô nhiễm trong lĩnh vực CBTS ở các địa phương:

- Điều tra, đánh giá để xác định khả năng tham gia và đáp ứng các yêu cầu về BVMT của doanh nghiệp CBTS trong quá trình hội nhập

- Điều tra, đánh giá hoạt động quản lý, BVMT tại các địa phương.
            Hoạt động điều tra, thu thập thông tin nhằm tạo cơ sở khoa học cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp CBTS và các cơ quan quản lý các địa phương  thực hiện các quy định về Bảo vệ MT đối với lĩnh vực CBTS (đã  thực hiện từ năm 2008)

3.2. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về BVMT theo kế hoạch xử lý ô nhiễm của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg:

- Phối hợp với các địa phương, xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở đang phát sinh ô nhiễm (đang tiếp tục thực hiện…)

- Hỗ trợ các doanh nghiệp về cải tiến HTXL chất thải, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, tư vấn lựa chọn công nghệ, phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiệu quả (Nghiên cứu, biên soạn các tài liệu đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ…).

- Đào tạo tập huấn về thiết bị, công nghệ  và kỹ thuật vận hành hệ thống xử lý nước thải cho cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp, cơ sở CBTS. Các khoá đào tạo sẽ tiến hành từ năm 2009, mỗi khu vực 3 khoá.

- Đào tạo cán bộ quản lý của các cơ sở CBTS, chuyển giao các mô hình quản lý, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc: Giảm thiểu,  tận thu  - Xử lý ô nhiễm, thay đổi công nghệ. Các khoá đào tạo sẽ tiến hành từ năm 2009, mỗi khu vực tổ chức 1 khoá.

- Áp dụng thí điểm một số mô hình quản lý và cải tiến công nghệ xử lý nước thải hiệu quả cao tại những doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt các tiêu chuẩn môi trường. Năm 2008, đã lựa chọn được 05 cơ sở ở miền Nam, 02 cơ sở ở miền Bắc …

3.3. Triển khai các hoạt động hỗ trợ cơ quan QLNN ở địa phương, cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý, BVMT trong lĩnh vực CBTS; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất thuỷ sản trong quá trình hội nhập:

- Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất ban hành một số tiêu chí, quy định về BVMT, những giải pháp, cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức quản lý các hoạt động BVMT lĩnh vực CBTS đối với các cơ quan quản lý ở địa phương và cơ sở.

- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương (các Sở NN & PTNT, trung tâm, chi cục …) về các phương pháp (kỹ thuật), mô hình tổ chức triển khai các hoạt động quản lý BVMT đối với lĩnh vực CBTS và các lĩnh vực khác của ngành thuỷ sản.

- Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý ở địa phương về những yêu cầu và các tiêu chí, tiêu chuẩn BVMT đáp ứng các yêu cầu về hội nhập kinh tế đối với lĩnh vực sản xuất thuỷ sản.

- Thử nghiệm áp dụng một số mô hình quản lý, BVMT ở cơ sở (từ cấp tỉnh, Thành phố tới quận, huyện..) với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tham gia nhiệm vụ BVMT lĩnh vực quản lý…

3.4. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CBTS về áp dụng SXSH, tiết kiệm năng lượng và hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14001:

Điều kiện: Các doanh nghiệp có chế biến các mặt hàng Thuỷ sản XK; có thị trường XK ổn định và đã đăng ký và hoàn thành nghĩa vụ thuế; có đủ nguồn lực về tài chính, nhân công…; có địa điểm sản xuất, kinh doanh ổn định, công nghệ thiết bị đảm bảo đạt tiêu chuẩn Môi trường và tự nguyện tham gia, tiếp nhận sự hỗ trợ của ngành....

- Về chương trình SXSH, kiểm toán, tiết kiệm năng lượng.... tại 25 (cơ sở) CBTS:

Số lượng dự kiến: miền Bắc và Bắc trung bộ: 10 cơ sở; Nam trung bộ: 5 cơ sở và khu vực Nam bộ: 10 cơ sở.

Mục tiêu: tiết kiệm, nước từ 20 – 50%; tiết kiệm điện từ 10 – 30%, giảm các chất thải và tải lượng ô nhiễm.

Hoạt động: Khảo sát, điều tra xác định các nguyên nhân gây lãng phí nguyên liệu, năng lượng và phát sinh nhiều chất thải; đánh giá tiềm năng tiết kiệm nước, điện tiêu thu…; giảm thiểu chất thải; Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp chi phí thấp để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện và duy trì các giải pháp tiết kiệm…

- Về triển khai áp dụng tiêu chuẩn môi trường ISO 14001- 2004 tại các cơ sở CBTS:

Mục tiêu: đến năm 2010, các doanh nghiệp CBTS tham gia được cấp chứng nhận: ISO 14001- 2004

Số lượng dự kiến: cả nước có 5 doanh nghiệp đủ điều kiện được triển khai thực hiện.

Hoạt động: Đánh giá hiện trạng hệ thống quản lý, xây dựng các quy trình áp dụng TCMT. Xây dựng các chính sách môi trường, chương trình, kế hoạch quản lý và mục tiêu BVMT. Xây dựng các danh mục về yêu cầu, quyền hạn trách nhiệm và các quy trình kiểm soát, xem xét, đánh giá … Đào tạo, triển khai và Đánh giá, cấp chứng nhận.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

            Chương trình (nhiệm vụ) hỗ trợ các doanh nghiệp Chế biến thuỷ sản Bảo vệ Môi trường (giai đoạn 2008 - 2010) được tổ chức thực hiện như sau:

- Thời gian thực hiện: Từ 8/2008 - 12/2010

- Nguồn kinh phí: Ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm của Bộ NN & PTNT.

- Cơ quan chủ quản: Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp & PTNT; trực tiếp chỉ đạo, xét duyệt và đánh giá nghiệm thu các kết quả của nhiệm vụ.

- Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu Hải sản; Chủ trì Tổ chức triển khai và điều hành, giám sát toàn bộ các hoạt động của nhiệm vụ.

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Lưu Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Quan trắc cảnh báo môi trường biển, Viện Nghiên cứu Hải sản.

- Cơ quan phối hợp chính: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II; Phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động của nhiệm vụ ở khu vực miền Nam.

- Các đơn vị tư vấn: Tham gia và phối hợp thực hiện một hoặc nhiều hoạt động của chương trình theo năng lực.

- Các cơ quan quản lý chuyên ngành (Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công thương…): Phối hợp triển khai các hoạt động của nhiệm vụ tại địa phương…

- Các doanh nghiệp Chế biến thuỷ sản: Tiếp nhận sự hỗ trợ và tham gia các hoạt động của chương trình, tích cực đầu tư nâng cao năng lực kiểm soát môi trường tại cơ sở, chương trình này sẽ giúp các cơ sở CBTS tăng cường ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ BVMT trong lĩnh vực Chế biến thuỷ sản.

Trần Lưu Khanh