Xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 là một trong những nhiệm vụ đang được Bộ KH&CN tích cực lấy ý kiến giới khoa học (KH). Việc làm này là cần thiết để xác định hướng đầu tư vào lĩnh vực KH&CN nào cho hiệu quả, tránh lãng phí. Nhưng chiến lược dù tốt đến đâu thì việc đầu tiên cũng bắt đầu từ con người...
Thống kê mới nhất cho thấy, số người có trình độ trên ĐH ở nước ta là khoảng 30.000, với hơn 13.000 tiến sĩ và khoảng 6.000 GS, PGS. Với lượng người có học hàm, học vị tính trên trung bình dân số thuộc loại cao hàng đầu khu vực, chắc chắn xã hội cũng đã đặt ra nhiều kỳ vọng. Nhưng nếu lấy số lượng các công trình KH được công bố của Việt Nam so với thế giới giai đoạn 2004-2008 đối với mỗi quốc gia cũng như đối với từng cá nhân nhà KH thì chúng ta còn thấp. Ngoài ra, thực trạng "hành chính hóa" các chức danh KH khi nhà nghiên cứu "rẽ ngang" sang ngạch quản lý nổi lên rất rõ, làm cho nhân lực KH&CN đã yếu càng yếu. Rõ ràng đằng sau sự tụt hậu ấy có rất nhiều vấn đề cần xem xét
Nguyên nhân nào tạo ra sự khác biệt về hiệu quả giữa người làm nghiên cứu của ta và nước bạn? "Câu trả lời không khó và chắc nhiều người đồng ý đó là môi trường làm việc, cụ thể là một môi trường gồm ba yếu tố liên quan nhau: điều kiện nghiên cứu; lương và tài trợ đủ để tập trung cho nghiên cứu và chính sách tạo ra động lực của người nghiên cứu" - GS Hồ Tú Bảo (Viện KH&CN Việt Nam) nhận định. Bài toán muốn xây dựng được nền KH&CN mạnh cũng phải bắt đầu bằng việc tìm lời giải cho ba câu hỏi trên.
Có thể thấy rất rõ rằng quan điểm đầu tư cho phát triển KH&CN ở nước ta không thống nhất khi không ít người yêu cầu mọi nghiên cứu đều thành công, phải có kết quả trong khi tại các nước phát triển, tỉ lệ nghiên cứu thành công có thể áp dụng vào đời sống chỉ khoảng 10%-20%. Những suy nghĩ ấy đã tạo "lực cản" khiến nhà KH vì nhiều lý do không thể hết mình cho các công trình nghiên cứu. Chừng nào đánh giá hiệu quả hoạt động KH không dựa trên "độ trễ" của kết quả nghiên cứu, mang lại hiệu quả gián tiếp hoặc vô hình như những công trình nghiên cứu về vắc-xin là ví dụ tiêu biểu thì lúc đó còn có những rào cản KH phát triển.
Theo GS Trần Đức Viên (Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) thì điều cần thiết đối với nền KH&CN Việt Nam hiện nay là xây dựng được một môi trường làm việc tốt, ở đó nhà KH được tự do tư duy, được tôn trọng. Muốn vậy phải chọn được người đứng đầu toàn tâm, toàn ý làm KH, có khả năng thu hút, tập hợp những người giỏi quanh mình. Người đó phải có khả năng xây dựng được trường phái nghiên cứu chứ không phải chỉ là "tư duy đấu thầu", chạy theo các đề tài tuyển chọn khá phổ biến hiện nay.
GS-TS Phạm Hùng Việt (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình trung tâm nghiên cứu xuất sắc (COE) hay nhóm nghiên cứu tiên tiến đang được thực hiện rất thành công trong nhiều lĩnh vực trên thế giới. Tại đây sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, kết hợp lại một cách linh hoạt, được tăng cường trang thiết bị hiện đại nhất để cùng nhau giải quyết một nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tầm quốc gia, quốc tế và tạo ra những sản phẩm KH&CN xuất sắc. Sở dĩ Việt Nam có thể chọn mô hình "đi tắt đón đầu" các công nghệ cao theo hướng này vì hiện nay chúng ta đã có những phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu có năng lực đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Những COE này cần được đầu tư mạnh về ngân sách để cán bộ ở đó không cần "chân ngoài dài hơn chân trong" mà vẫn có mức thu nhập tốt...
Mục tiêu phát triển KH&CN đến năm 2020 là làm sao rút ngắn được khoảng cách với các nước khác, tức là trong một thời gian ngắn phải làm chủ được nhiều thành tựu công nghệ tiên tiến. Bài toán sử dụng trí thức thông qua việc quy tụ họ trong các tập thể nghiên cứu tiên tiến ở các viện nghiên cứu, các trường đại học ngang tầm thế giới là con đường ngắn nhất. Đây chính là lực lượng nòng cốt, là chủ thể, hiện thân của nền khoa học và ĐH của đất nước.
Theo Hà Nội mới, 5/06/2009