Tỷ trọng sản phẩm nuôi trên thị trường thủy sản Châu Âu đang tăng với hai sản phẩm dẫn đầu là cá hồi và vẹm xanh...
Ðể đáp ứng nhu cầu, Tây Ban Nha và các nước EU khác có thể sẽ tiếp tục NK lượng lớn thủy sản. Các nhà cung cấp Châu Âu có lẽ sẽ có xu hướng cung cấp sản phẩm tươi, trong khi các nguồn cung cấp ngoài Châu Âu chủ yếu cung cấp sản phẩm đông lạnh.
Châu Âu là nhà nhập siêu thủy sản. Nghề cá giậm chân tại chỗ hoặc suy giảm và dự đoán không thể phục hồi trong nay mai. Ðây là một trong những lý do khiến sản lượng thủy sản nuôi tăng, chiếm tới 30% tổng sản lượng thủy sản Châu Âu.
Dự đoán trong những năm tới, NK tiếp tục tăng và sẽ có sự phân công lao động rõ ràng giữa các nhà cung cấp thủy sản Châu Âu chủ yếu cung cấp sản phẩm tươi và các nhà cung cấp ngoài Châu Âu cung cấp sản phẩm đông lạnh.
Những nhà NK lớn nhất
Các nước NK hàng đầu ở Châu Âu nói chung có sản lượng khai thác và nuôi nội địa tương đối thấp và phải dựa nhiều vào NK (hình 1).
Năm 2004, giá trị NK thủy sản của Tây Ban Nha là 5 tỷ USD, đứng đầu EU. Tiếp theo là Pháp 4 tỷ USD và Italia 3,7 tỷ USD. Giá trị NK của Anh và Ðức thấp hơn, khoảng 2,6 tỷ USD mỗi nước. Tổng giá trị NK của 8 nước NK lớn nhất là 23 tỷ USD. Từ năm 1990, trung bình NK thủy sản của Châu Âu tăng khoảng 4%/năm.
Theo thống kê, mặc dù Nga không nằm trong danh sách các nhà NK lớn nhất Châu Âu, nhưng khối lượng NK của nước này tăng nhanh với tốc độ trung bình 119%/năm giai đoạn 1992-2003. Năm 2003, NK của Nga đạt 555 triệu USD và có dấu hiệu tiếp tục tăng trưởng rõ rệt khi thu nhập cao hơn và đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng hệ thống phân phối thủy sản tươi và đông lạnh.
Nền kinh tế các nước thành viên mới của EU ở Ðông Âu và Trung Âu đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn dự đoán và cao hơn các nước thành viên cũ của EU, góp phần mở rộng thị trường thủy sản Châu Âu trong thời gian tới.
Nguồn cung cấp từ nuôi trồng
Kết quả khảo sát nguồn cung cấp từ nuôi trồng cho thấy việc tăng sản lượng cá hồi là một ví dụ rất thành công. Sản lượng cá hồi Châu Âu đã tăng 263%, từ 201.000 tấn năm 1990 lên 730.000 tấn năm 2003, bỏ xa những đối tượng nuôi quan trọng khác (hình 2).
Ðối tượng nuôi quan trọng thứ hai là vẹm xanh, với sản lượng 450.000 tấn năm 2003, nhưng tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1990-2003 vẫn chưa đạt 25%. Tuy nhiên, giai đoạn này đánh dấu sự tăng trưởng cao nhất của cá tráp, cá vược, cho dù xuất phát điểm rất thấp. 5 năm qua, cá vược đạt mức tăng trưởng 42% và cá tráp 35%, cao hơn so với 30% của cá hồi.
Tổng sản lượng đánh bắt năm 2003 khoảng 15 triệu tấn, nhưng nếu không tính những loài có sản lượng giảm và loài có giá trị thấp, con số này chỉ còn 5,2 triệu tấn, giảm nhiều so với 8 triệu tấn năm 1990. Sản lượng thủy sản nuôi năm 2003 là 2,2 triệu tấn, tăng so với 1,6 triệu tấn năm 1990. Không tăng trưởng ấn tượng, nhưng tỷ trọng sản phẩm nuôi vẫn tăng từ 17% năm 1990 lên 30% năm 2003.
Thủy sản tươi và đông lạnh
Nhu cầu thủy sản tươi của nhiều thị trường ở Châu Âu đang có xu hướng tăng. Ví dụ, ở Anh, doanh số bán lẻ thủy sản ướp lạnh tăng 8,4% từ 1,77 tỷ USD tháng 5/2004 lên 1,92 tỷ USD tháng 5/2005.
Cũng giai đoạn trên, doanh số bán lẻ thủy sản đông lạnh chỉ tăng 2,3%, từ 1,20 tỷ USD lên 1,23 tỷ USD. Ðồng thời sản phẩm ướp lạnh ngày càng đa dạng, sản phẩm ướp lạnh bao gói biến đổi áp suất cũng ngày càng sẵn có.
Một sự khác biệt nữa giữa thủy sản nuôi và đánh bắt là tỷ lệ NK sản phẩm tươi và ướp lạnh vào Châu Âu. Tất nhiên, các loài cá thịt trắng nuôi không có khả năng thâm nhập thị trường cá thịt trắng đông lạnh toàn cầu vốn không ưa chuộng thủy sản nuôi.
Năm 2003, khoảng 80-100% lượng cá hồi, cá tráp và cá vược nuôi được NK dưới dạng tươi và ướp lạnh. Ðối với các loài khai thác, 50-60% cá bơn và cá tuyết chấm đen được NK ở dạng tươi và ướp lạnh, trong khi tỷ lệ này của cá tuyết là 30%.
Sự phát triển trong tương lai
Những năm tới, dự đoán trữ lượng thủy sản của Châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh, thậm chí tình trạng giậm chân tại chỗ và sản lượng đánh bắt một số loài tiếp tục giảm. Ðiều này sẽ làm cho lĩnh vực nuôi phát triển và mở rộng hơn.
Tuy nhiên, Na Uy là một ngoại lệ, những nhà sản xuất lớn nhất thủy sản nuôi đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn khác đang sử dụng nguồn lợi ven bờ và quy chế pháp lý làm giảm sản lượng và tăng chi phí. Những yếu tố này có thể hạn chế tiềm năng phát triển và cho thấy những thách thức về chính sách và kinh tế đối với hoạt động nuôi trồng.
Tuy nhiên, nhu cầu thủy sản có thể sẽ tiếp tục tăng với động lực từ tăng trưởng kinh tế của Nga và các nước thành viên mới của EU, nhờ hiểu biết hơn về lợi ích của thủy sản đối với sức khoẻ, đầu tư nhiều hơn vào hệ thống phân phối thủy sản tươi, và sự đa dạng hoá mạnh mẽ các sản phẩm thoả mãn những nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Tất cả những điều kiện trên sẽ góp phần làm tăng hơn nữa khối lượng NK và tăng áp lực lên giá.
Các nhà cung cấp thủy sản Châu Á và Mỹ Latinh hiện đang đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng ở EU. Do chi phí vận chuyển cao nên hầu hết sản phẩm NK đều ở dạng đông lạnh.
Các lô hàng cá hồi là một ví dụ về chi phí vận chuyển dẫn đến sự khác nhau giữa nhà cung cấp Châu Âu và ngoài Châu Âu. Chi phí vận chuyển cá hồi tươi từ Na Uy vào EU khoảng 0,20-0,50 USD/kg, nhưng sẽ tăng lên 1,50-2,10 USD/kg đối với cá hồi tươi từ Chilê trong khi chi phí vận chuyển cá hồi đông lạnh từ Chilê vào EU chỉ khoảng 0,3 USD/kg.
Nhiều công ty Châu Âu trong lĩnh vực nuôi thủy sản không thể cạnh tranh trên thị trường thủy sản đông lạnh toàn cầu do chi phí lao động cao. Do vậy, sự phân công lao động giữa Châu Âu và các nhà cung cấp ngoài Châu Âu là sự phát triển tự nhiên. Trong tương lai, các nhà cung cấp Châu Âu và ngoài Châu Âu đều có chỗ trên thị trường Châu Âu khi họ biết khai thác lợi thế so sánh về khoảng cách địa lý và lao động giá rẻ.
T.V- H.T lược dịch
Global Aquaculture Adv. 12/2005 (Nguồn vasep)