Thủy sản nuôi nhỏ lẻ, gây khó cho công tác xử lý nước thải bảo vệ môi trường. Nước thải trong nuôi trồng thủy sản là tác nhân gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng nuôi thủy sản vẫn chưa được quan tâm và có biện pháp khắc phục.
Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 12.000 ha nuôi thủy sản dưới nhiều hình thức, như: nuôi trong ruộng trũng, ao, mương, trong lồng, vèo, nuôi theo hình thức công nghiệp,... Tuy nhiên, quy mô nuôi lớn, từ 10 ha trở lên là không nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp nuôi vùng nguyên liệu cho công ty. Một vài doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex; Công ty TNHH Phú Thạnh, huyện Châu Thành A; Trại cá Hiệp Hưng ở Phụng Hiệp và Trại cá Phú Thuận ở thị xã Ngã Bảy thuộc Công ty TNHH Thuận Hưng đang hoạt động sản xuất. Còn một vài đơn vị khác như: Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú xã Đông Phước (Châu Thành); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp) và xã Đông Phước (Châu Thành); Công ty TNHH Một thành viên L&T, xã Đông Phước (Châu Thành); Doanh nghiệp tư nhân Trung Nghĩa, xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp),... cũng đã có đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhưng chỉ mới ở giai đoạn đào ao hoặc nuôi thử nghiệm một vài héc-ta. Một số công ty này cũng đã thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án nuôi thủy sản. Do số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động ít, vì thế việc trang bị các quy trình công nghệ phục vụ cho công tác xử lý nước thải cũng không nhiều. Trong khi đó, phần lớn thủy sản được nuôi nhỏ lẻ trong từng hộ gia đình, nên việc xử lý nước thải vẫn chưa được đảm bảo. Lượng nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường hiện nay là rất lớn.
Ngoài khó khăn vì quy mô nuôi thủy sản nhỏ lẻ, hiện nay, với giá cá bấp bênh, người nuôi cá chỉ nuôi cầm chừng, nên cũng ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ông Ngô Văn Khởi, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, nhìn nhận: “Một số hộ nuôi cá rô đồng, cá trê vàng lai nuôi tự phát, tập trung vào một thời điểm, lại chỉ được tiêu thụ nội địa, nên giá giảm liên tục, cũng đã gây cho nông dân không ít khó khăn. Còn về vấn đề xử lý nước thải từ nguồn nước nuôi thủy sản, chỉ có những doanh nghiệp có quy mô nuôi lớn thì mới thực hiện công tác này. Đối với phần lớn diện tích nuôi nhỏ lẻ của người dân, nước thải cũng chưa được qua khâu xử lý”.
Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Theo quy định, quy mô nuôi thủy sản có diện tích từ 10 ha trở lên, đơn vị kinh doanh mới cần phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường. Vài doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đã lập xong báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo bảo vệ môi trường nước như: Trại cá Phú Thuận, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex),... Đối với những hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ vài ngàn mét vuông thì không cần phải lập báo cáo này. Tuy nhiên, cần phải cam kết, nước thải ra môi trường phải qua khâu lắng lọc tránh gây ô nhiễm môi trường”.
Trong những năm tiếp theo, Hậu Giang tiếp tục thực hiện quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tại một số địa phương. Cụ thể, năm 2009 tới, dự kiến sẽ nâng tổng diện tích nuôi thủy sản lên khoảng 13.000 ha, thì vấn đề bảo vệ môi trường ngay từ đầu cũng cần được đặt ra. Cũng cần có những hành động cụ thể, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ về ý thức bảo vệ môi trường.
THÁI SƠN (Nguồn vasep)