Trong những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL chỉ còn từ 11.800 -12.000 đồng/kg (cá nuôi hầm, thịt trắng), đầu ra rất hạn chế. Nguy cơ thua lỗ từ vụ cá tra này đã hiện ra trước mắt nhiều người nuôi cá.
Lý giải về nguyên nhân cá tra rớt giá, các nhà máy chế biến cho rằng trong lúc thị trường xuất khẩu khó khăn, nhà máy giảm chế biến thì nông dân thu hoạch rộ diện tích nuôi cá, nên chuyện cá rớt giá là theo qui luật thị trường.
Nông dân phường Thới An, quận Ô Môn thu hoạch cá tra.
Cùng thời gian này, con tôm sú ở ĐBSCL cũng đồng cảnh ngộ với con cá tra khi mới vào vụ thu hoạch giá đã rớt. Tại Trà Vinh, Cà Mau tôm sú loại 40 con/kg (loại nhiều nhà máy cần) chỉ còn 85.000đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so ít ngày trước đó. Tôm sú các loại khác cũng giảm 2.000-3.000 đồng/kg.
ĐBSCL có gần 5.000ha mặt nước nuôi cá tra, 500.000ha nuôi tôm với hơn 100 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất chế biến đạt gần 700.000 tấn/năm. Trong đó, gần 50 nhà máy chế biến cá tra có công suất thiết kế đạt hơn 300.000 tấn/năm, hơn 50 nhà máy chế biến tôm với công suất đạt 400.000 tấn/năm. Trong những tháng đầu năm, ĐBSCL có thêm khoảng 5 nhà máy chế biến thủy sản đi vào hoạt động. Xét về năng lực chế biến, thì hiện nay sản lượng cá tra đã cơ bản đáp ứng nhu cầu. Riêng đối với con tôm sú, những năm sản lượng đạt cao nhất cũng chỉ đáp ứng 70% nguyên liệu cho nhà máy. Năm nay, diện tích nuôi tôm sú trong cả nước chỉ còn gần 600.000 ha, giảm hơn 10.000 ha so với năm 2005. Do nông dân nuôi thâm canh nhiều năm, môi trường bị ô nhiễm, nên nhiều ao nuôi tôm ở Cà Mau, Sóc Trăng và một số tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ như: Quảng Ninh, Hải Phòng đang bùng phát dịch bệnh. Dự báo sản lượng tôm sú năm nay sẽ giảm mạnh, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy.
Theo thống kê của Bộ Thủy sản: từ năm 2004 đến nay, giá xuất khẩu mặt hàng cá tra chế biến luôn đạt từ 3,5-4USD/kg, tôm qua chế biến đạt 11-15 USD/kg. Theo tính toán của doanh nghiệp chế biến thủy sản, tỷ lệ thu hồi sản phẩm/nguyên liệu đối với mặt hàng cá tra là 1/2,8 (chế biến 2,8 kg cá tra sẽ thu hồi được 1kg thành phẩm), đối với mặt hàng tôm tỷ lệ này là 1/1,6. Như vậy, giá thành phẩm trước chi phí sản xuất, thuế 1kg thành phẩm mặt hàng cá tra khoảng 35.000đồng/kg(bằng 54% so với giá xuất khẩu). Đối với mặt hàng tôm, thì với giá tôm như hiện nay giá thành sản xuất trước khi trừ chi phí, thuế cũng chỉ khoảng 40.000 đồng/kg( bằng 72% so với giá xuất khẩu).
Trong lúc giá xuất khẩu ổn định, mức cung nguyên liệu vẫn chưa vượt cầu, nhưng vì sao lại có tình trạng giá nguyên liệu cá tra và tôm sú lại rớt “thê thảm”? Có thể nói, thời gian qua giá cả mặt hàng nguyên liệu thủy sản không phải do sự chi phối bởi quy luật cung cầu, mà chịu sự tác động chủ quan của doanh nghiệp chế biến, điều đó thể hiện ở chỗ: Vào thời điểm nhiều doanh nghiệp cần hàng xuất khẩu thì họ tự “đấu đá” nhau để mua nguyên liệu, lúc đó nông dân sẽ được lợi. Ngược lại, ở thời điểm doanh nghiệp có ít đơn đặt hàng xuất khẩu thì họ cũng liên kết làm eo, làm sách để hạ giá mua nguyên liệu của nông dân. Thực trạng này đã làm cho diễn tiến thị trường nguyên liệu thủy sản “nóng,lạnh” thất thường, người nuôi thủy sản phải gánh chịu rủi ro khôn lường.
Để ngăn chặn sự liên kết tăng giá của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Thương mại đã ban hành cơ chế giám sát giá cả mặt hàng này. Thiết nghĩ, thời gian tới, Bộ Thương mại cũng cần xây dựng một cơ chế giám sát về giá thu mua nguyên liệu thủy sản của doanh nghiệp chế biến, nhằm khống chế tình trạng doanh nghiệp liên kết “đè” giá thu mua thủy sản nguyên liệu của nông dân.
Theo CT, Viet Linh