Nhằm đáp ứng nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đạt 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2015, tỉnh Cà Mau sẽ nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 10.000 ha. Trước mắt, năm 2011 sẽ mở rộng thêm 1.360 ha, nâng diện tích toàn tỉnh lên 2.800 ha nuôi tôm công nghiệp.
Cà Mau hiện có 1.440 ha nuôi tôm công nghiệp. Tập trung nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi với gần 1.000 ha, TP Cà Mau trên 400 ha, còn lại là Phú Tân, Cái Nước. Trong đó có nhiều mô hình nuôi tập trung đạt hiệu quả cao.
Điển hình như HTX nuôi tôm công nghiệp ấp Tân Long, xã Tân Duyệt có 64 hộ nuôi với diện tích 68,4 ha, năng suất trung bình từ 4,5-5,8 tấn/ha, bình quân mỗi hộ lãi trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm.
Nhiều mô hình hiệu quả cao
Ông Phạm Văn Mỹ (người đội nón), thành viên Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước theo dõi sự tăng trưởng của tôm.
Sau khi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, ông Hai Tới (Trần Văn Của), ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư 2 ao nuôi tôm công nghiệp. Sau vụ nuôi, ông thu hoạch thắng lợi và tiếp tục nhân rộng. Từ đó phong trào nuôi tôm công nghiệp ở ấp Nhị Nguyệt phát triển mạnh mẽ.
Ông Hai Tới đã đứng ra bàn bạc với 14 hộ nuôi tôm trong ấp liên kết lại thành tổ hợp tác. Từ 15 tổ viên ban đầu, đến nay tổ hợp tác có 80 tổ viên với tổng diện tích ao nuôi là 102 ha (265 đầm). Năm 2010, tổng doanh thu của tổ đạt trên 20 tỷ đồng, trung bình mỗi héc-ta lãi gần 2 tỷ đồng.
Xác định nuôi tôm công nghiệp là bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, huyện Đầm Dơi đề ra mục tiêu mỗi năm phát triển 1.000 ha, phấn đấu đến năm 2015 đạt 5.000 ha. Tháng 9/2010, huyện Đầm Dơi phối hợp Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải tiến hành quy hoạch dự án vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại 2 ấp Trung Cang và Thành Vọng của xã Tân Trung. Dự kiến vùng dự án có tổng diện tích hơn 650 ha.
Bên cạnh đó, huyện đã làm việc với Sở KH&ĐT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT có kế hoạch hạ thế điện 3 pha ở những vùng nuôi tôm công nghiệp. Huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp thuê đất thành lập hợp tác xã tạo thành những vùng nuôi tôm tập trung.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Nguyễn Thanh Giảng cho biết, nhu cầu của người dân về nuôi tôm công nghiệp là rất lớn, nhất là khi giá tôm thương phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ có 4 xã có tiềm năng và điều kiện thủy lợi tốt để phát triển thành vùng nuôi tập trung.
Vì vậy, quy hoạch đến năm 2015, huyện Cái Nước sẽ có 1.000 ha nuôi tôm công nghiệp tập trung tại 4 xã: Lương Thế Trân, Tân Hưng, Hòa Mỹ và Trần Thới.
Phải đẩy mạnh liên kết “bốn nhà”
Tổ hợp tác nuôi tôm ấp Nhị Nguyệt đang cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Trước mắt, huyện tranh thủ từ đề án lúa - tôm của tỉnh tiến hành tập huấn kỹ thuật cho người dân, mỗi năm khoảng 20 lớp. Theo kế hoạch, đến năm 2012, huyện cần khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư cho các công trình thủy lợi và hạ thế nguồn điện 3 pha.
Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Dũng khẳng định, để thực hiện 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp vào năm 2015 không khó. Ngành đã có kế hoạch cho từng năm, các huyện, thành phố đã họp dân ở những vùng quy hoạch và đều được người dân đồng tình ủng hộ.
Phần còn lại là cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành quyết liệt cùng người dân thực hiện. Các địa phương cần làm tốt vai trò là “chiếc cầu nối” gắn kết doanh nghiệp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết “4 nhà”.
Việc mở rộng 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp vào 2015 sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nuôi tôm công nghiệp tập trung lợi nhuận sẽ cao hơn, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu./.
Hồng Phượng