Chiều 28/6/2007, tại TP Cần Thơ một cảnh tượng khủng khiếp xảy ra: Hàng trăm ngàn xác cá tra trương phình, bốc mùi hôi thối, nổi lên mặt ao nuôi tại nhà ông Nguyễn Văn Tùng. Đây là hậu quả của việc người nuôi lén dùng thuốc trừ sâu trị bệnh cho cá.

Được biết, chiều 26-6, Trường Văn Thành, con rể ông Tùng, phát hiện cá bị bệnh, với triệu chứng bơi lờ đờ và xoay cuộn vào nhau nên đã dùng thuốc Diptecide – một loại thuốc trừ sâu bọ trên lúa cùng một số thuốc khác - đổ vào hầm. Kết quả là hầm cá “đột tử”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước đó, chủ nuôi cá đã thông báo, kêu gọi nhiều ghe đến thu mua xác cá chết với giá 1.000đ/kg để lấy mỡ, chế biến dầu cá. Khoảng 200 tấn cá chết được bán kiểu này khi nhiều người tỏ ra đồng cảm với chủ hầm, cố vớt vát chút thiệt hại. Song, không khỏi lo ngại khi trước đó hơn 80 tấn cá bị ngộ độc chưa chết đã được bán tống, bán tháo ra thị trường.

Hiện tại, chủ nuôi cá tra và các cơ quan chức năng đã thống nhất giải pháp huy động lực lượng vớt cá chết đem chôn và rắc vôi khử trùng. Chiều 28-6, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Diptecide là loại thuốc bị cấm nhưng nhiều người nuôi cá tra vẫn lén sử dụng điều trị bệnh cho cá.

Lâu nay, người ta lên tiếng báo động về môi trường bị ô nhiễm của các dòng sông do các nhà máy thủy sản, các ao nuôi thải ra. Giờ đây, việc sử dụng thuốc sâu làm cá “đột tử” hàng loạt khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng hơn. Đây là lời cảnh báo về sự phát triển bộc phát thiếu bền vững của vùng nguyên liệu cá tra, cá basa ở ĐBSCL. Các cơ quan chức năng đã biết chuyện: Người nuôi cá lén sử dụng các hóa chất cấm – như một bài thuốc “bí truyền” trị bệnh cho cá nhưng gần như “bó tay”, không có cách nào can thiệp. Nếu không có giải pháp hữu hiệu quản lý, chế tài đối với người nuôi cá tra, cá basa về sử dụng các loại hóa chất, chắc chắn trường hợp cá chết như ở ao nuôi của ông Tùng không phải là cá biệt.

Theo SGGP, 29/06/2007 (Theo thiennhien.net)