Hội nghị ngành Thủy sản ĐBSCL vừa được tổ chức tại TP. Long Xuyên một lần nữa khẳng định thêm tầm quan trọng của con cá tra, ba sa đối với nền kinh tế vùng đồng bằng Nam Bộ. Nó không chỉ là kế sinh nhai của hàng triệu người dân, mà còn là ngành kinh tế mũi nhọn; không chỉ là nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn là mặt hàng xuất khẩu chiến lược với giá trị kim ngạch năm 2006 đạt đến gần 737 triệu USD, đứng thứ 2 sau xuất khẩu tôm. Từ đó, lại càng thấy rõ: Phải có chiến lược thúc đẩy thủy sản ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng vươn lên “đúng tầm” của nó, để vượt qua những khó khăn và thách thức trong sản xuất cũng như tiêu thụ.
Nói về cá tra, ba sa, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cho đây là thành tựu vĩ đại của ĐBSCL với sản lượng tăng vùn vụt qua từng năm. Tương ứng từ 86.700 tấn (1999 ), 110.000 tấn (2001) lên gần 210.000 (2003) rồi đến 375.500 tấn (2005) và năm 2006 vừa qua đã đạt mức 825.000 tấn. Nguồn này cung cấp cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu của 70 nhà máy có công suất chế biến khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Đây là những điều kiện thúc đẩy để con cá tra, ba sa từ ban đầu chỉ là sản phẩm của một địa phương vùng đầu nguồn như An Giang đã vươn ra thế giới, xây dựng thương hiệu cá nổi tiếng cho Việt Nam, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho từng địa phương. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận được là: Vấn đề sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa còn quá nhiều vướng mắc và bất cập nên giá cá không ổn định; sản phẩm chế biến xuất khẩu liên tục gặp những “rào cản” trên thị trường quốc tế khiến người nuôi lẫn doanh nghiệp nhiều phen phải lao đao.
Đầu tiên tại thị trường EU với Chloramphenicol, nhóm Nitrofurans; sau đó là Xanh malachite...; còn đối với tình hình sản xuất cá tra, ba sa ở trong nước thì yếu tố bấp bênh liên tục xảy ra nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người nuôi. Đặc biệt là tình hình ồ ạt nuôi cá khi giá cá tăng cao, bán đổ bán tháo khi giá cá giảm cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng khủng hoảng thừa đến khủng hoảng thiếu và ngược lại. Đơn cử trong nửa năm đầu 2007 này, do giá cá ở mức cao từ 14.000-17.000 đồng/kg nên các hộ thu hoạch cá đều có lãi, càng khiến cho việc tự phát nuôi lại bùng phát hơn lúc nào hết. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa Việt Nam cho biết: Toàn vùng có trên 1.000 ha đào ao nuôi mới, trong đó riêng tại An Giang diện tích nuôi đã gần 1.400 ha, tăng 40% so với đầu năm 2007 và có 181 ha đào ao nuôi ngoài quy hoạch. Tình hình tự phát nuôi cá tra, ba sa đã đến mức phải báo động khủng hoảng thừa nguyên liệu nếu không được chấn chỉnh cũng như không bảo đảm những điều kiện về vệ sinh chất lượng thủy sản. Tính đến thời điểm này diện tích nuôi cá tra, ba sa của 8 tỉnh ĐBSCL đã trên 4.800 ha vượt so với cuối năm 2006 đến 2.484 ha và đáng lo hơn là phần lớn những hộ nuôi tự phát đều chưa có hệ thống xử lý về vệ sinh môi trường cũng như thực hiện các điều kiện vệ sinh thú y trong nuôi trồng thủy sản... Trong khi đó, cả 2 thị trường Nga và Mỹ đều đang có sự thay đổi chính sách nghiêm ngặt hơn trong kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cá tra, ba sa từ Việt Nam!
Giải pháp nào để phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra, ba sa phát triển bền vững? Phải quy hoạch phát triển chi tiết cho từng vùng nuôi là ý kiến của các nhà quản lý Nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Trên cơ sở đó, xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo hướng “Hội cá sạch” gắn kết người nuôi-nhà chế biến, trong đó riêng tại An Giang, Liên hợp sản xuất cá sạch APPU của Công ty Agifish có 29 hội viên; Hội nuôi cá sạch Navico của Công ty TNHH Nam Việt có 130 hội viên; Hội cá sạch Afiex của Công ty Afiex có 12 hội viên. Ngoài ra, ngành Thủy sản tỉnh An Giang tiếp tục triển khai việc quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế SQF cho các hộ nuôi và doanh nghiệp chế biến của tỉnh... để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản từ đầu vào đến đầu ra. Tính đến nay, chương trình an toàn chất lượng đã huấn luyện kỹ năng ương, nuôi thủy sản an toàn và chất lượng theo tiêu chuẩn SQF cho trên 600 ngư dân, đó là chưa kể gần 200 học viên học kỹ năng ương cá giống-đây là những lực lượng nòng cốt nhân rộng mô hình cá sạch.
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong nuôi trồng cũng được chú trọng đến. Vì, nói như ông Ngô Phước Hậu-Tổng Giám đốc Công ty Agifish, thì: “Môi trường xấu ảnh hưởng đến con cá nên ngư dân phải sử dụng kháng sinh nhiều-điều này ngư dân và doanh nghiệp đều chịu hệ quả ngay trước mắt, chứ không phải chờ đến tương lai”. BÍCH VÂN
Theo www.vasep.com.vn