40 năm làm việc trong ngành thủy sản, là giảng viên Trường ĐH Washington danh tiếng ở Mỹ, có thể nói, về hưu, ông Vũ Thế Trụ không phải lo lắng về kinh tế. Thế nhưng, mỗi lần về VN, ông lại có một đóng góp cụ thể cho ngành thủy sản nước nhà.
Sau những chuyến leo rừng, vượt thác trên vùng Tây Bắc gần đây, ông phấn khởi tìm được đơn vị hợp tác nuôi cá hồi, một loại cá thuộc chuyên ngành của ông suốt mấy chục năm qua ở Mỹ.
Vì sao lúc đó ông lại chọn ngành thủy sản?
Trong một lần ra biển tôi gặp một ngư ông. Ông kể cho tôi nghe về cuộc đời của ông. Tôi chưa từng nghe và thấy cuộc đời của ai mà nhiều gian khổ và hiểm nguy như đời ông! Ông bảo, ai cũng vậy cả thôi nếu là ngư dân. Tôi tự nhủ, mình chắc phải đi ngành ngư nghiệp và tìm cách làm cho nó khá lên. Thế là tôi vào ngành Canh nông, Học viện Nha Trang. Ra trường tôi về làm ở Bộ Thủy sản.
Trước thực trạng ngư dân đánh bắt thủy hải sản bằng mọi cách, từ quăng chài lưới, câu đến cả nổ mìn… không có ý thức bảo vệ môi trường, tôi muốn lập ra một bộ luật bảo tồn thủy sản Việt Nam. Xem xét yêu cầu của tôi, cấp trên bảo, để hình thành bộ luật này trong khả năng miền Nam lúc đó phải cần tới 12 tiến sĩ các ngành liên quan bên Mỹ sang giải đáp.
Do vậy, tốt nhất là tôi hãy sang Mỹ học. Thế là năm 1974, tôi được học bổng của USAID để sang học về ngành quản lý ngư nghiệp. Năm 1975, miền Nam giải phóng, sự đổi thay chính trị ấy khiến tôi “bị kẹt” lại Mỹ. Lúc này, tình thế buộc tôi muốn kiếm sống phải bỏ học. Nhưng tôi không muốn bỏ ngành thủy sản.
Vậy là ước mơ góp phần thay đổi ngành Thủy sản VN của ông dang dở?
Đại học Washington (Mỹ) là trường nổi tiếng mà hầu hết các chuyên gia thủy sản thế giới đều từ đó bước ra. Nhưng đó là trường chuyên về lý thuyết và chuyên về thủy sản xứ lạnh. Để có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về thủy sản nhiệt đới, đặc biệt là tôm, tôi đã phải tham gia khóa học 3 năm ở Hawaii. Khi có điều kiện, tôi đã về Việt Nam ngay và đi tìm hiểu thực tế (năm 1991).
Năm 1993 tôi đã biên soạn xong cuốn sách “Cải tiến kỹ thuật nuôi tôm tại VN” gửi về cho thầy Trần Văn Trí phổ biến giúp. Năm 1995 tôi biên soạn xong cuốn “Thành lập và quản lý trại tôm giống tại VN”, năm 1997 là cuốn “Nuôi tôm chân trắng tại VN”… Tôi tin là những cuốn sách ấy đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin kỹ thuật của những người nuôi tôm, một nghề đang phát triển tại VN.
Sao ông quan tâm nhiều đến con tôm mà không là thủy sản khác?
Tôm là một thủy sản có giá trị dinh dưỡng và xuất khẩu cao. Nghề nuôi tôm ở VN đã có từ những năm 60 nhưng phải đến những năm 90, đặc biệt là từ 1995 mới thật sự cất cánh. Nhưng có một thực tại đáng buồn là sự cất cánh này phần lớn do người nông dân tự mò mẫm mà thành công. Khi thất bại thì họ tự chịu. Trong khi đáng lẽ các nhà khoa học phải là những người nghiên cứu và phổ biến cho dân. Lỗi là các nhà khoa học của chúng ta vẫn còn nặng bệnh ngồi bàn giấy, nhẹ thực hành.
Diện tích để nuôi cá hồi ở VN không nhiều, vì sao ông “nhảy” vào đầu tư giống và kỹ thuật nuôi loại cá này ở VN?
Cần phải hiểu diện tích thế nào là nhiều và thế nào là ít? Tại Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, để nuôi cá hồi người ta phải trang bị hệ thống nhiệt, mùa hè thì hạ nhiệt nước xuống, mùa đông lại phải nâng nhiệt lên, vì vậy mà giá thành rất cao. Chuyên ngành của tôi ở ĐH Washington
Tôi rất mừng khi thấy điều kiện khí hậu tự nhiên quá phù hợp con cá hồi như vùng Tây Bắc. Khai thác hết những dòng suối của 13 tỉnh vùng cao dọc biên giới nước ta thì đã là một tài nguyên đáng kể rồi. Chưa kể sao ta không biết mạnh dạn sang thuê đất phía bên kia biên giới, tức Trung Quốc, nơi có điều kiện tự nhiên tương tự để khai thác, thuê họ làm… Đâu chỉ họ có khả năng sang ta đầu tư khai thác kinh tế?
Bên cạnh nghề nuôi cá hồi, các kỹ nghệ liên hệ khác cũng sẽ có cơ hội phát triển như ngành đông lạnh, ngành vận chuyển, ngành chế biến cá hồi xông khói, kỹ nghệ làm trứng cá Caviar… sẽ tạo cho nhiều đồng bào miền núi có công ăn việc làm ổn định, không phải bỏ quê hương ra tỉnh kiếm việc làm.
Nếu tôi không lầm thì sản lượng thủy sản của VN đã đạt tới trên 3 tỷ Mỹ kim năm nay. Nếu tăng cường thêm ngành cá Salmonid và các sản phẩm khác thì sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của VN sẽ tăng đáng kể, khả năng đạt thêm 1 tỷ Mỹ kim trong năm tới là có thể.
Phương Chi (Nguồn vasep)