Tiềm năng khai thác cá cơm ở vùng biển nước ta là tương đối lớn, thế nhưng có một thực tế là khi XK thì bao giờ giá cả cũng bị thấp hơn so với giá bán của Thái Lan.
Theo nghiên cứu của Bộ Thủy sản, vùng biển Việt Nam và Thái lan chiếm tới 80% trữ lượng cá cơm trên thế giới. Trong đó, Việt Nam chiếm 2/3, nhiều nhất là các tỉnh miền Trung và Nam bộ, đặc biệt là ở các vùng biển Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc...
Được biết, có năm trúng mùa, sản lượng cá cơm lên đến hàng ngàn tấn, trong đó cá cơm ruồi chiếm 60 - 65%, cá cơm trắng chiếm 20 - 25%. Phan Thiết là vùng có trữ lượng cá cơm lớn, có đêm ngư dân đánh bắt được tới 40 tấn.
Có thể nói, tiềm năng khai thác cá cơm ở vùng biển nước ta là tương đối lớn, thế nhưng có một thực tế là khi XK thì bao giờ giá cả cũng bị thấp hơn so với giá bán của Thái lan. Không những thế, các DN Hàn Quốc hiện đang có những động thái liên kết với nhau để gây sức ép về giá đối với cá cơm của Việt Nam. Theo phân tích của các cơ quan quản lý, kể cả các DN chế biến XK thì lợi thế tiềm năng về trữ lượng nguồn cá cơm của nước ta là rất thuận lợi, được những bạn hàng lớn như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc ưa chuộng, tuy nhiên do kỹ thuật bảo quản, hấp luộc chưa tốt, gây ẩm mốc, độ ẩm có lúc chiếm tới 26 - 28%, tỷ lệ mất đầu lớn trên 15%, mùi vị chưa thực hấp dẫn, chất lượng thiếu ổn định nên cá cơm ở Phan Thiết vẫn chưa bán được với giá xứng đáng. Trong khi đó, đối tượng cạnh tranh duy nhất của nước ta là Thái lan, tuy chỉ chiếm 1/3 trữ lượng cá cơm, lại không có nhiều cá cơm quý hiếm thế nhưng công nghệ đánh bắt, chế biến và công tác marketing của các DN nước này hơn hẳn nước ta.
Trong khi ngư dân Việt Nam chủ yếu bảo quản cá cơm bằng cách ướp đá từ 6 đến 8 giờ đồng hồ mới được vận chuyển vào bờ để luộc, phơi nắng - vừa tốn kém mà vẫn không giữ được màu sắc nguyên thủy của cá; thì các ngư dân của Thái lan đã đầu tư đồng bộ nên có thể luộc, phơi khô cá ngay trên tàu, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo chất lượng cá tươi ngon, sau đó họ mới chuyển cá vào bờ để tiến hành sấy bằng công nghệ hiện đại.
Công tác tiếp thị của Thái lan cũng được tổ chức rất rầm rộ, bài bản; bởi vậy, tại các hội chợ lớn, dù tiềm năng cá cơm của Việt Nam vượt trội nhưng số lượng các hợp đồng ký kết đều thua xa so với các DN Thái lan. Một yếu tố nữa là bản thân các DN cũng phải thừa nhận chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, mạnh ai nấy làm, chưa quan tâm tới vấn đề thống nhất mức giá trần và giá sàn XK cá nên dễ bị các DN nước ngoài, kể cả các nước NK cạnh tranh ép giá gay gắt, làm giảm giá trị kim ngạch XK.
Tại Hội thảo “Xuất khẩu thủy sản 2010, tầm nhìn 2010”, các DN XK cá cơm Việt Nam cho rằng, giải pháp lâu dài là các DN nên đầu tư phương tiện vào vùng nguyên liệu, nhất là kho lạnh và phương tiện đánh bắt. Tuy vậy, trước việc các DN nước NK đang liên kết ép giá thì bản thân các DN XK trong nước phải có sự liên kết, thông tin với nhau để đưa ra những đối pháp kịp thời, mang sức mạnh tập thể để không rơi vào tình trạng bị các DN nước NK khống chế về giá. Hơn nữa, chúng ta cũng cần mở rộng thị trường XK mặt hàng này, không nên quá lệ thuộc vào thị trường Hàn Quốc, dễ dẫn tới những biến động về giá cũng như sản lượng XK nếu phía Hàn Quốc có sự thay đổi
Nguồn: http://www.baothuongmai.com.vn; http://www.quangngai.gov.vn