Các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ đang đề nghị Chính phủ can thiệp và có những hỗ trợ cho những thiệt hại đối với hoạt động xuất khẩu do sự tăng giá của đồng rupi gần đây, đồng thời ban hành một cơ chế giảm gánh nặng lãi suất ngân hàng cho họ.

Hiệp hội Thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết sự tăng giá của đồng rupi đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, thậm chí còn nặng nề hơn so với đợt sóng thần năm 2004. Các nhà xuất khẩu đã thiệt hại hơn 5 tỷ rupi (125,8 triệu USD) đối với hàng dự trữ do sự tăng giá này.

Chủ tịch SEAI, ông A.J. Tharakan, cho biết ngành xuất khẩu thủy sản đang mong chờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ giúp giảm lãi suất cho các khoản vay trước và sau khi xuất hàng, bỏ toàn bộ thuế xuất khẩu và hỗ trợ giá xuất khẩu để sản phẩm thủy sản Ấn Độ cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Do ảnh hưởng của đồng rupi tăng mạnh, các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ không thể cạnh tranh với các đối thủ ở Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và các nước xuất khẩu thủy sản láng giềng như Bănglađét và SriLanka. Đồng rupi tăng mạnh khiến cho các sản phẩm thủy sản của Ấn Độ ngày càng đắt đỏ ở những thị trường lớn như Mỹ, Nhật và EU. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng gặp khó khăn vì phải trả giá cao cho ngư dân và người nuôi thuỷ sản do chi phí nhiêu liệu và các chi phí đầu vào trong quá trình nuôi tôm hoặc cá tăng cao.

Xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ năm nay có thể đạt trị giá 80 tỷ rupi ( 2,01 tỷ USD) và các mặt hàng chủ yếu là hàng giá trị cao như tôm, mực ống, mực nang và cua.

Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ đã làm cho số các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ giảm từ 258 vào năm 2001 xuống còn 80 trong năm nay.

M.T (theo Fis)