Nước thải không qua xử lý tuồn xuống sông, rạch, vào khu dân cư len lỏi tận vuông tôm của người dân làm không ít người điêu đứng.
Một số nhà máy dù có đầu tư hệ thống xử lý nước thải hàng tỉ đồng, nhưng... chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra.
Chỉ 30% đạt yêu cầu
Đó là khẳng định của ông Tống Lê Thắng - GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Cà Mau. Toàn tỉnh có 29 nhà máy chế biến thuỷ sản của 23 DN với tổng công suất 147.589 tấn/năm. Hầu hết số nhà máy này tập trung tại TP.Cà Mau. Nhiều nhà máy cùng với các đại lý thu mua, sơ chế tôm nguyên liệu ven sông Gành Hào (Cà Mau) tuồn nước thải không qua xử lý làm đen ngòm một khúc sông.
Trong khi đó tại Bạc Liêu, đoàn công tác liên ngành kiểm tra 8 DN chế biến thuỷ sản thì cả 8 đều không đảm bảo yếu tố môi trường; hầu hết các DN không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không hoạt động. Thậm chí nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản nằm ngay khu dân cư không có hệ thống xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí một cách nghiêm trọng.
Năm 2007, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phạt 8 DN chế biến thuỷ sản tổng cộng trên 200 triệu đồng về hành vi làm ô nhiễm môi trường nước. Còn ở Sóc Trăng cũng lâm vào thảm trạng: 8 nhà máy chế biến thuỷ sản hoạt động thì có đến 3 nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải, tất cả tuồn ra sông.
Hiện nay trên địa bàn Cà Mau chỉ có 30% các nhà máy chế biến thuỷ sản đảm bảo về mặt môi trường. Theo đoàn kiểm tra của các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, việc đầu tư cho hệ thống xử lý môi trường rất tốn kém, chính vì vậy nhiều nhà máy cam kết nhưng không thực hiện. Trong đó, nhiều nhà máy có nhưng không đảm bảo kỹ thuật. Điều đáng nói là các nhà máy có đầu tư hệ thống xử lý nhưng chỉ hoạt động khi có đoàn kiểm tra, nên việc lập biên bản xử phạt rất khó khăn.
Vận hành khi có đoàn kiểm tra
Ông Tống Lê Thắng cho hay: Nhiều nhà máy được đầu tư thông qua vốn vay ưu đãi lên đến hàng tỉ đồng nhưng rất ít vận hành. Khi đoàn kiểm tra đến các nhà máy này mới vận hành nhằm đối phó.
Trong khi đó tại Bạc Liêu, ông Lâm Quyết Thắng - GĐ Sở TNMT thừa nhận: Thực tế rất khó kiểm tra, có kiểm, có phạt nhưng mức phạt tối đa 20 triệu đồng không đủ răn đe vì các nhà máy vận hành phải tốn kém hoá chất, điện... nên tình trạng trốn không vận hành hệ thống xử lý nước thải rất phổ biến. Ông nêu lên một thực trạng: Có một số nhà máy xin làm cơ sở chế biến để "né" đánh giá tác động môi trường, đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Duy Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết: Tình trạng các DN, cơ sở kinh doanh thải nước trực tiếp ra sông rất phổ biến. Trong đó có nhiều DN lớn đã xử phạt nhiều lần nhưng vẫn trì hoãn việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Điển hình trong việc này là Cty chế biến thuỷ sản Stapimex, một thời gian dài thải nước trực tiếp xuống sông, Cty cam kết nhiều lần đến nay mới thực hiện nhưng hoạt động cũng không thường xuyên.
Tại Cà Mau, Cty Camimex đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên 5 tỉ đồng, nhưng thường xuyên đóng cửa, có đoàn kiểm tra mới cho vận hành.
Nước thải tại các nhà máy chế biến thuỷ sản tuồn ra sông rạch là thực trạng đáng báo động. Bởi nguồn nước này len lỏi đến các vuông tôm sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khoẻ và sản xuất của người dân.
Ông Phan Duy Tuyên - GĐ Sở Khoa học - Công nghệ Bạc Liêu: Chúng ta đang "ăn" vào môi trường
Hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến thuỷ sản đòi hỏi đầu tư lớn. Riêng phần vận hành gồm: Tiền điện, hoá chất... đối với nhà máy loại trung bình cần ít nhất vài trăm triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không vì thế mà cố tình né tránh. Trong kinh doanh, DN có quyền làm thế nào để giảm chí phí sản xuất, nhưng loại yếu tố môi trường ra khỏi giá thành là chúng ta đã "ăn" vào môi trường một cách trắng trợn.
N.H - Nhật Hồ (Nguồn vietlinh)