Lòng hồ Trị An xuất hiện một số loài cá lạ thuộc nhóm ăn thịt rất hung dữ, có tốc độ sinh sản nhanh, khiến một số loài thủy sinh trong lòng hồ bị tiêu diệt.

Ngay khi đập thủy điện Trị An được xây dựng, các nhà khoa học đã khuyến cáo nên thả các loài cá nhằm làm sạch lòng hồ như cá trôi, cá mè....

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân sống ở lòng hồ bắt được một số loài cá lạ, chưa từng xuất hiện.

Loại cá này sinh sản nhanh, xuất hiện ngày càng dày đặc và có xuất xứ từ vùng Nam Mỹ. Một trong những loài trên được xác định là cá chim trắng, một loài cá ăn thịt rất dữ trong họ cá hổ du nhập từ vùng Nam Mỹ.

Loài cá này ăn thịt rất nhiều các loài cá bản địa, các loài lưỡng cư, bò sát và ngay cả một số loài thú nhỏ sống ở lòng hồ.

Một loại khác là Cichla ocellaris (người dân gọi là cá hoàng đế) cũng có xuất xứ từ Nam Mỹ, thường gặp ở vùng nước ngọt. Cá này sinh sản hữu tính, mỗi lần đẻ từ 2.000-3.000 trứng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là loài cá ăn thịt rất hung dữ và có tốc độ sinh sản cực nhanh. Thức ăn của cá hoàng đế là các loài cá nhỏ như mè dinh, cá trắm, cá lòng tong đá ... và khi đói, chúng ăn bất cứ loài thủy sinh nào bắt gặp.

Theo các chuyên gia, loài cá hoàng đế là loài ăn thịt có thể tiêu diệt và làm thay đổi thành phần loài các hệ động vật và sinh vật nơi chúng cư trú.

Theo ghi nhận, vào tháng 11 năm 2006, cá hoàng đế bắt được tại hồ Trị An có chiều dài khoảng 10-14cm, với số lượng ít, đến nay chiều dài của chúng đã đạt khoảng 100 đến 140cm, với mật độ dày.

Cá lớn nhất bắt được ngày 8/6/2007, cân nặng 0,83 kg. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu theo tốc độ sinh sản của loài cá hoàng đế như hiện nay thì trong khoảng 5 năm nữa, hệ sinh thái lòng hồ Trị An có thể bị đe dọa và nguy cơ về mất dần khả năng tự làm sạch của nguồn nước lòng hồ là đáng báo động.

Theo TTXVN, thoibaoviet.com