Cá hoàng đế có tên tiếng Anh là Peacock Bass, tên khoa học Cichla ocellaris, thuộc họ cá Hoàng đế Cichlidae và bộ cá Vược Perciformes. Loài này thường gặp ở vùng nước ngọt. Tuy nhiên, chúng cũng có khả năng chịu mặn ở nồng độ 18/oo (18 phần nghìn). Và tất nhiên giống như hầu hết các loài thuộc họ Cichlidae, cá Hoàng đế phân chia lãnh thổ và rất hiếu chiến.

Cá Hoàng đế là loài ăn thịt. Chúng bắt mồi nhờ vào tốc độ truy đuổi nhanh, ngược lại với cách săn mồi phục kích thường thấy ở các loài cá ăn thịt khác. Ở Việt Nam, thức ăn của chúng thường là các loài cá nhỏ như Mè dinh, cá Trắng, cá Lòng tong đá... Với cách tấn công con mồi nhanh, gọn như vậy, nguy cơ tiềm ẩn về một số loài bản địa bị tuyệt chủng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngư dân ở lòng hồ Trị An cho biết, cá Hoàng đế bắt đầu xuất hiện nhiều từ tháng 9 - 10.2006. Đến nay, loài này đã phát triển khá mạnh.

Cá Hoàng đế
(Ảnh: LĐ)

Theo ông Phùng Mỹ Trung - người điều hành trang web Sinh vật rừng Việt Nam, vào tháng 11.2006, cá thể bắt được có kích thước chỉ khoảng 10-14cm. Số lượng bắt được rất hiếm trong hàng trăm kg cá mồi (các loại cá nhỏ dùng làm mồi nuôi cá lóc bè). Song vào ngày 3.6.2007, cá thể lớn nhất bắt được cân năng 0,83kg, dài khoảng 100-140cm.

Ngoài ra, cá Hoàng đế đã có mặt ở khắp các chợ quanh vùng. Ai có nhu cầu có thể ra chợ Vĩnh An mua dễ dàng đến vài chục kg cá này.


Cá Hoàng đế có thể đạt kích thước như thế này. (Ảnh: LĐ)

Như vậy, từ thực tế chúng sinh sản rất nhanh do nguồn thức ăn dồi dào, môi trường sống thích hợp, và qua các tài liệu khoa học, ông Trung khẳng định về nguy cơ lấn át, lan tràn của loài cá ngoại lai này so với các loài cá bản địa là rất lớn. Thảm họa môi trường mới hoàn toàn có thể xảy ra như các đại dịch ốc Bươu vàng, cá Chim, cá Lau kiếng...

Theo Lao động, khoahoc.com.vn