Sóc Trăng là tỉnh có bờ biển khá dài với trên 72 km dài theo 3 huyện Cù Lao Dung, Long Phú và Vĩnh Châu. Biển nơi đây có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái khác nhau và cũng đem lại nguồn lợi lớn cho người dân ven biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu cùng với việc chưa được điều tra, nghiên cứu kỹ để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái vùng ven biển nên nguy cơ sạt lở và biến mất nhiều giống loài động thực vật đang là thực tế thách thức đối với vùng ven biển đầy tiềm năng này.
* Một vùng biển “động”
Làm một chuyến khảo sát dọc bờ biển Sóc Trăng mới thấy rõ một thực tế: Quá trình xói lở và bồi tụ rất rõ và như đang diễn ra nhanh hơn trong thời gian gần đây. Nhiều đoạn ven biển, dấu vết xói lở như mới xảy ra, những vùng bị xói lở do ảnh hưởng của các quá trình tự nhiên như các dòng hải lưu, thủy triều, gió chướng, hoạt động của sóng nhưng chủ yếu do rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển không được trồng chắn mới hoặc bị chặt phá nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu của Dự án bảo vệ phát triển các vùng đất ngập nước ven biển phía Nam đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1996 đến nay tại khu vực ven biển huyện Vĩnh Châu cho thấy: Các xã Vĩnh Tân, xã Lai Hòa, xã Vĩnh Hải đoạn bờ biển Cống xóm đáy ấp Mỹ Thanh dài 3,5 km, bờ biển bị xói lở với mức độ bình quân từ 15 đến 40 mét/năm. Cụ thể như tại một đoạn của xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu) mỗi năm bị lấn sâu vào bờ từ 8-15 mét, một phần ở xã Vĩnh Tân (40 m/năm), xã Lai Hòa (20 m/năm)...
Trái ngược với quá trình xói lở là quá trình bồi tụ. Các đoạn bao đắp thuộc các xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) có đoạn bồi đắp dài 12 km, mỗi năm nhô ra biển thêm trên 100 mét; đoạn bồi đắp dài 7,8 km ở xã Trung Bình (huyện Long Phú) mỗi năm nhô ra biển 45m/năm; đoạn bồi đắp dài 8,3 km ở xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu), mức độ bồi đắp 10 m/năm; xã Lạc Hoà (huyện Vĩnh Châu) đoạn bồi đắp dài 3,2 km, mức độ bồi đắp 15 m/năm... Quá trình xói lở và bồi tụ diễn ra rất mạnh mẽ ngay trên một đoạn bờ biển Sóc Trăng và diễn ra tuần tự theo mùa cho thấy đây là một vùng biển “động” và phức tạp. Đưa chúng tôi đi dọc bờ biển trên chiếc vỏ lãi cỡ lớn, ông Thạch Lai, một chủ rừng nhận khoán ven biển Vĩnh Châu chỉ cho chúng tôi xem một cái cống nằm cách xa khoảng 300m giữa mênh mông biển nước: “Cách nay khoảng 10 năm, bờ biển nằm tuốt ở ngoài đó, giờ thì vô tới tận trong này. Ở đây, nhiều đoạn bị xói lở lắm, dân trước đây ở ngoài đê phải dời nhà liên tục vô trong, bây giờ không còn ai dám ở ngoài đê nữa vì sợ sụp đất bất ngờ”. Sản phẩm quá trình lở sụp được bồi tụ ngay ở sát bờ biển, hình thành ra phía biển những bãi bồi không ổn định, nhất là vào mùa gió chướng (từ tháng 9 và tháng 10 hàng năm) khi thủy triều xuống, biển để lộ ra bãi bồi rộng tới 2-3 km với tầng bùn dày. Bờ biển của một số xã ở tình trạng vừa bồi vừa lở là các xã từ thị trấn Vĩnh Châu tới khu vực cống số 9 khu vực xã Vĩnh Hải. Trong khi khu vực ven biển phía nam xã Trung Bình (thuộc huyện Long Phú) và các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Lai Hoà (huyện Vĩnh Châu) bờ biển bị lở nhẹ hoặc quá trình bồi - lở không rõ ràng.
* Nguy cơ hiện hữu
Như các nhà khoa học đã kết luận: Hệ sinh thái ven biển Sóc Trăng khá đa dạng, có tiềm năng thiên nhiên phong phú với 3 hệ sinh thái khác nhau, đặc biệt là vùng hạ lưu sông Hậu. Với diện tích rừng hơn 10.000 ha; trong đó bao gồm nhiều quần thể động, thực vật và thủy hải sản phong phú như: Quần thể khỉ đuôi dài (Macaca fasclularis) hơn 300 cá thể; Rái cá Lông Mượt (Lutra perspicillata) 500 cá thể; Dơi ngựa lớn (Pteropus -vampyrus) khoảng 15.000 cá thể và các loài chim nước, hệ động vật lưỡng cư, bò sát.v.v... Riêng thảm thực vật rừng được khảo sát trong năm 1996 cho thấy cũng đa dạng và phong phú không kém với khoảng 20 loài thực vật thuộc 16 họ được ghi nhận. Các loài phổ biến nhất là Bần Chua, (Sonneratia caseolaris), Dừa nước (Nipa frutican), Mắm trắng (Avicennia alba), Mắm đen (Avicennia offieinalis), Mắm biển (Avicennia maina), Đước (Rhizophora apiculata)... Tuy nhiên, “đó chỉ là chuyện… của ngày xưa, chứ bây giờ không còn bao nhiêu đâu- ông Lê Hoàng Diệp, Trưởng Khu Tái định cư số 2, ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu) khẳng định như vậy khi nghe chúng tôi nhắc tới sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên ven biển Sóc Trăng. Ông Diệp cho biết thêm: “Bây giờ muốn đi kiếm mấy loài đó đỏ con mắt không biết có thấy không. Nói chi đâu xa, nội cây dừa nước ngày xưa mọc thành rừng, người ta gọi là rừng lá, tốt đến nỗi chỉ cần một bẹ lá một người yếu yếu vác không nổi. Còn cây mắm, cây đước giờ cũng ít lắm, chủ yếu là loại mới trồng sau này thôi. Riêng cây chà là ngày xưa dân mình thường hay đi bắt con đuông bây giờ không thấy đâu nữa. Cây này coi mọc um tùm vậy chớ giữ đất tốt lắm nhưng không biết tại sao biến mất hết rồi? Tại khu vực đuôi cồn Cù Lao Dung, quần thể dơi ngựa lớn theo thống kê mới nhất giờ còn không tới 1.000 con do môi trường sinh sống của chúng đã bị thay đổi nhiều cùng với sự săn bắt của con người. Loài rái cá lông mượt trước đây sống rất nhiều tại vùng này giờ cũng gần như biến mất. Ông Dương Văn Hiển, một cư dân cố cựu vùng đuôi cồn kể lại: “Hồi đó vùng này trên là rừng, dưới là biển, muốn ăn cái gì cũng có, mà toàn là những thứ bây giờ người ta gọi là đặc sản, là động vật quý hiếm như con kỳ đà chẳng hạn. Bây giờ ngay cả con rái cá đâu có ai bắt mà cũng đi đâu mất tiêu hết”. Còn ông Lâm Xem ở xã Lạc Hoà (Vĩnh Châu) nhớ lại: “Hồi đó nghêu, sò có nhiều lắm, gần như mùa nào muốn ăn ra bãi một chút là khiêng về không nổi, còn cá ngác, chỉ cần đi thụt hang một chút là nhậu cả xóm không hết nữa, còn gần tới tết là lúc chim biển bay về đầy trời luôn, chúng đậu trên những cây mắm, cây đước kêu vui tai lắm. Bây giờ cá ngác, nghêu có giá lắm mà muốn bắt đâu có dễ, chim trời thì mấy năm nay không còn thấy chúng về nữa, không biết chúng chê ở đây hay bị người ta bắt dọc đường hết rồi”...
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Sóc Trăng được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Cộng hòa liên bang Đức (GTZ) thông qua dự án “Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng”, ngành NN&PTNT Sóc Trăng đã và đang xúc tiến việc khảo sát, xây dựng mô hình phòng chống xói lở cho hệ thống đê biển của tỉnh. Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là một thách thức không nhỏ và sự chủ động phòng chống ngay từ bây giờ là thật sự cần thiết để hạn chế mức độ thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân. Hy vọng, với những nỗ lực của các tổ chức và các Bộ, ngành hữu quan, cùng với sự quan tâm của cả cộng đồng sẽ chung tay xây dựng một môi trường xanh, hạn chế sự thay đổi của khí hậu đang ngày càng diễn ra phức tạp.
Trung Hiếu
Nguồn monre.gov.vn