Trong những năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Trân tại thôn Quý Hải, xã Long Hải huyện Phú Quý – Bình Thuận làm ăn khấm khá hẳn lên nhờ biết cách tận dụng các nguồn lợi từ biển như thu mua các loại vỏ ốc, vỏ sò làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch, mua da cá nóc xuất sang Trung Quốc để làm trống, nay gia đình bà lại có thêm việc làm mới là thu mua và sơ chế hải sâm biển...

Trước nay ngư dân huyện đảo Phú Quý chưa biết hải sâm là hải đặc sản có giá trị kinh tế cao và là “thần dược” của đại dương, do đó ngư dân cũng ít khai thác hải sâm. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào khai thác, thu mua hải sâm bắt đầu xuất hiện ở huyện đảo Phú Quý. Tuy nhiên, do chưa biết cách khai thác lợi thế và tiềm năng của hải sâm, nên hiện nay cả đảo Phú Quý chỉ còn lại một vài nơi nhỏ lẻ thu mua và sơ chế hải sâm, gia đình bà Nguyễn Thị Trân chuyên mua các loại vỏ ốc, vỏ sò và các loại hải sâm biển. Bà cho biết, trước nay ở Phú Quý cũng có nhiều hộ thu mua, sơ chế hải sâm nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về tiền bạc vì số vốn để kinh doanh mặt hàng này tương đối lớn.

Hải sâm (tên gọi dân gian là đỉa biển hay đồn đột) là loài động vật biển không xương sống, thân hình hơi dài khoảng 10 - 20 cm, da có lông. Chúng thường sống ở đáy cát hoặc những nơi có nhiều đá ngầm, san hô chết với độ sâu từ 20 m trở lên. Những năm về trước hải sâm có rất nhiều ở vùng biển Phú Quý, nhưng sau một thời gian ngư dân trên đảo tập trung khai thác, đánh bắt hải sâm quá nhiều, do đó sản lượng hải sâm ở ngư trường Phú Quý dần cạn kiệt. Hiện nay muốn khai thác được nhiều hải sâm, ngư dân phải đến tận vùng biển Trường Sa để đánh bắt.

Trong các loại hải sâm, hải sâm trắng có giá trị kinh tế cao nhất, một con hải sâm trắng có khi nặng tới 2 kg, được bán với giá 1 triệu đồng/ con, còn hải sâm vú có giá từ 100 - 150 nghìn đồng/ con tùy theo kích cỡ lớn nhỏ. Khi mua hải sâm từ các tàu đánh bắt, các điểm thu mua sẽ tiến hành sơ chế, bảo quản hải sâm bằng cách ướp muối hoặc luộc chín, sau đó đem phơi thật khô rồi mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, từ các chợ này sẽ xuất sang các nước hoặc chuyển đi các nhà hàng ẩm thực cao cấp. Hiện nay mỗi chuyến xuất hàng của gia đình bà Trân có khoảng từ 40 - 50 kg hải sâm. Nhờ biết cách kinh doanh nguồnlợi từ biển đến nay gia đình bà Trân đã khá lên ổn định đời sống.

Từ hiệu quả do hải sâm mang lại, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, thì việc khai thác và thu mua hải sâm đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Thế nhưng phong trào khai thác, thu mua, sơ chế hải sâm trên đảo Phú Quý cũng chỉ mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng mức. Nếu được quan tâm hướng dẫn cách chế biến hải sâm một cách chuyên nghiệp hơn, tin rằng nghề khai thác và chế biến hải sâm ở huyện đảo Phú Quý sẽ phát triển rộng rãi đem lại nguồn thu nhập mới cho ngư dân.

Nguyễn Ngọc Bảy – Sở NN và PTNT Bình Thuận (Nguồn khuyennongvn.gov.vn)