NGUYỄN VIỆT THẮNG (chủ tịch Hội Nghề cá VN)
TT - Vụ việc lực lượng tuần tra Trung Quốc bắt giữ 37 ngư dân và ba tàu đánh cá Quảng Ngãi khi đang đánh cá trên biển Đông thuộc khu vực Hoàng Sa của VN là hết sức vô lý. Chúng tôi đang soạn thảo văn bản kiến nghị Chính phủ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, yêu cầu phía Trung Quốc phải nhanh chóng thả 12 ngư dân và hai tàu đánh cá hiện đang còn bị tạm giữ.
Chúng tôi cũng kiến nghị nếu ngư dân hoạt động đánh bắt đúng pháp luật trên vùng biển của chúng ta nhưng vô cớ bị bắt giữ, làm thiệt hại cho bà con và nền kinh tế của VN thì bên bắt phải đền bù. Về phía Hội Nghề cá cũng đã làm việc với các địa phương, kiên quyết không thực hiện các đòi hỏi vô lý từ phía Trung Quốc. Phải rõ ràng như thế!
Chúng tôi một lần nữa đề nghị bà con ngư dân cứ mạnh dạn tiếp tục ra khơi, yên tâm đánh bắt trên vùng biển của chúng ta. Thứ nhất là để ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Thứ hai, chúng ta đánh bắt là để khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước và chứng tỏ tinh thần dũng cảm của người dân Việt. Về phía Chính phủ đã có kế hoạch để bảo vệ cho bà con, như tuyên bố của đại tướng Lê Văn Dũng - bí thư T.Ư Đảng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN - là chúng ta có tàu của lực lượng cảnh sát biển và tàu hải quân tuần tra trên các vùng biển, vừa ngăn chặn sự xâm nhập của tàu lạ hoặc tàu nước ngoài, vừa bảo vệ ngư dân.
Hội Nghề cá VN cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập gấp Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng đóng tại Nha Trang (Khánh Hòa) để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt trên vùng biển Đông. Hiện tại chúng ta đã có Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ở Hải Phòng, phụ trách khu vực vịnh Bắc bộ hoạt động rất tích cực. Sự cần thiết phải thành lập gấp các chi cục vùng là để giúp đỡ ngư dân đánh bắt đúng pháp luật VN, đồng thời cùng với các lực lượng bảo vệ pháp luật kịp thời ứng cứu bà con khi xảy ra sự cố.
Chúng tôi cũng xin nhắc lại, về phía bà con ngư dân, khi đánh bắt trên biển cần tổ chức chặt chẽ, đi có đoàn, đội. Nếu như đi tổ, đội ba tàu, thuyền thấy hiệu quả chưa cao thì nên nâng lên 5-7 tàu và phải phối hợp thông tin tốt với nhau: đi đâu, đến đâu, đánh bắt ở khu vực nào là chính, đánh bắt bao nhiêu ngày... Khi hành nghề trên biển, các tàu phải giữ liên lạc thông suốt với nhau, thường xuyên với các lực lượng chức năng (biên phòng, hải quân) và chính quyền địa phương. Nếu có sự cố xảy ra, các tàu cá của bà con phải có mặt kịp thời để hỗ trợ nhau trong khi chờ các lực lượng chức năng đến ứng cứu.
Ngư dân Lý Sơn vẫn đưa tàu ra Hoàng Sa
Huyện đã gửi văn bản đề xuất tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao sớm can thiệp bảo vệ an toàn cho 12 ngư dân còn bị phía Trung Quốc tạm giữ ở Hoàng Sa, kiên quyết không để ngư dân phải chịu nộp phạt oan ức trong khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thuộc lãnh hải của VN. Cùng ngày, ông Dương Văn Thọ - chủ tàu QNg 6597-TS vừa được thả về cùng 24 ngư dân sau khoảng một tuần bị phía Trung Quốc tạm giữ ở Hoàng Sa - cũng cho hay: “Chúng tôi đang chuẩn bị ngư cụ trên tàu cho chuyến ra khơi mới. Ngay sau khi Bộ Ngoại giao can thiệp, phía Trung Quốc thả 12 ngư dân còn lại trở về, chúng tôi sẽ tiếp tục hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa. Chúng tôi tin sự thật sẽ luôn được bảo vệ, phía Trung Quốc cần phải tôn trọng ngư dân VN hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa. Vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước VN nên ngư dân chúng tôi hoàn toàn có quyền đánh bắt hải sản trên vùng lãnh hải của đất nước mình”. MINH THU |
LÊ TRƯỜNG ghi (Nguồn: Tuổi trẻ)