Lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh cá cảnh biển quả là rất lớn: giá một tấn cá cảnh biển lên đến 496.000 USD. Nhưng, nguồn lợi của chúng đã bắt đầu cạn kiệt và vì thế rất cần có giải pháp lâu dài để hạn chế tác động của con người lên môi sinh...

Hằng năm trên thế giới tiêu thụ khoảng 35 triệu con cá cảnh biển, doanh thu đạt hơn 200 triệu USD. Các nước xuất khẩu cá cảnh biển là Singapore, Indonesia, Philippines... Trong những năm gần đây Việt Nam cũng bắt đầu nghề kinh doanh này, ước tính hằng năm Việt Nam xuất khẩu cá cảnh đạt doanh số  khoảng bốn triệu USD, trong đó cá cảnh biển chiếm khoảng 10%.

Do kỹ thuật nuôi cá cảnh biển ngày mỗi được cải tiến, trang thiết bị hiện đại và hiệu quả, phương tiện vận chuyển cá dễ dàng hơn trước đây nên nghề chơi cá cảnh biển phát triển  nhanh ở nhiều nước trên thế giới.

Thế nhưng nguồn cá nuôi chủ yếu dựa vào tự nhiên, cá xuất bán thường được khai thác ở các nước nhiệt đới, nơi có nhiều rạn san hô và phong phú về cá cảnh biển. Nếu như  98% cá cảnh nước ngọt được cung cấp nhờ vào kỹ thuật sản xuất giống, thì chỉ có 2% cá cảnh biển được cho đẻ nhân tạo.

Trong khi đó, lợi nhuận của việc kinh doanh cá cảnh biển thì  lớn vô cùng. Các loài cá cảnh biển có giá trị xuất khẩu cao là cá hoàng đế (50-100 USD/con), cá ngựa (30-40 USD/con) và một số  loài trong nhóm cá rồng biển (weedy seadragon, Phyllopteryx taeniolatus) có giá đến 10.000 đôla Hồng Công. Các loài cá này đều có ở nước ta, tất nhiên là thuộc vào nhóm rất  hiếm. 

Ở nước ta, cá cảnh biển được khai thác ở các vùng biển ven bờ Khánh Hòa, Phú Quốc, Hà Tiên...

Các loài cá cảnh biển đều có sức sinh sản thấp, phần lớn loài  quý hiếm không đẻ được trong điều kiện nuôi nhốt, khi nhu cầu  tăng thì nguồn lợi các loài cá này giảm nhanh chóng. Khả năng tự phục hồi của chúng  rất chậm, do vậy  không ít loài cá cảnh biển nằm trong danh mục sách đỏ hoặc CITES (Công ước quốc tế về kinh doanh  các loài có nguy cơ bị đe dọa). Biện pháp bảo vệ nguồn lợi cá cảnh biển nói riêng và sinh vật biển nói chung là thành lập các khu bảo tồn biển (MPA) hoặc phát triển nuôi trồng nhằm giảm áp lực khai thác ngoài tự nhiên.

Khu bảo tồn biển ở nước ta mới được thành lập trong hai ba năm gần đây, kết quả của nó chưa cao cả về nâng cao nhận thức môi trường của cộng đồng lẫn bảo vệ sinh cảnh. Các đề tài nuôi sinh vật biển (cá ngựa, cá hải quỳ...) chỉ thành công ở quy mô nhỏ hoặc chỉ mang tính lý thuyết, cho nên  vấn đề phục hồi nguồn lợi chưa thật sự hiệu quả.  Rõ ràng là cần có một kế hoạch hành động cụ thể ở cấp quốc gia hoặc cấp quốc tế về vấn đề bảo vệ nguồn lợi cá cảnh biển ở nước ta, trước khi vấn đề kinh doanh các loài cá này phát triển mạnh. Do không  đánh giá đúng vai trò của cá cảnh biển trong lĩnh vực kinh tế và trong hệ sinh thái rạn san hô, nên chúng  ít được chú ý nghiên cứu ở nước ta trong  nhiều năm qua.