Trong chương trình kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (05/06), Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu” đã được tổ chức ngày 04/06 ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam(VACNE), Việt Nam có sự đa dạng cao về tài nguyên khí hậu và sinh học, được xếp thứ 16 về đa dạng sinh học (ĐDSH), là một trong 12 trung tâm giống cây trồng và cũng là trung tâm thuần hóa vật nuôi nổi tiếng thế giới.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho ĐDSH của nước ta đã bị suy thoái trầm trọng, mà nguyên nhân quan trọng là do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Ngược lại, sự suy giảm ĐDSH và xuống cấp của các sinh cảnh tự nhiên cũng góp phần làm gia tăng BĐKH.
Mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn, các hệ sinh thái đất ngập nước của vùng đồng bằng các sông Cửu Long, sông Hồng, vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất và các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa bao gồm cả các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh quyển. Nhiệt độ tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần xã sinh vật của nhiều hệ sinh thái.
Sự tương tác hai chiều giữa BĐKH và ĐDSH mà hậu quả trực tiếp là sự mất đất, suy thoái của các hệ sinh thái nông nghiệp, rừng, đất ngập nước có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sự phát triển của con người. Vùng ven biển, tài nguyên nước ngọt, ĐDSH, nhất là ĐDSH nông nghiệp và lâm nghiệp sẽ là vùng, lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH. Đây chính là những thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
GS.TSKH Trương Quang Học, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Kế hoạch ĐDSH quốc gia và các địa phương cần đặc biệt lưu ý các giải pháp ứng phó phù hợp với các kịch bản của BĐKH để trước hết bảo vệ và duy trì nguồn gen trong các hệ sinh thái nông, lâm nghiệp, quản lý bền vững và phát triển rừng đầu nguồn, các phương án phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các giống phù hợp (chịu hạn, chịu nhiệt), điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cho các khu bảo tồn ở vùng đất thấp…”.
Công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng cũng cần được đẩy mạnh để có hiệu quả về nhiều mặt trong đó có tác dụng là giảm thiểu khí nhà kính, thiên tai, bảo tồn tài nguyên đất và nước. Cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành và dựa vào cộng đồng, dựa trên hệ sinh thái cần phải được quán triệt trong tất cả các khâu từ hoạch định chính sách đến lập và triển khai kế hoạch về cả nội dung và tổ chức. Các giải pháp cần toàn diện và đồng bộ từ thể chế, chính sách tới quy hoạch, kế hoạch, công nghệ, trong đó xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế cần được ưu tiên ở mức phù hợp.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra các chương trình hành động, giải pháp đến năm 2015 ở cả cấp trung ương và các địa phương. PGS.TS Trần Thục, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đưa ra các kịch bản biến đổi khí hậu về nhiệt độ, lượng mưa và nước biển dâng. Do tính phức tạp của BĐKH và những hiểu biết chưa thật đầy đủ về BĐKH của Việt Nam cùng với các yếu tố tâm lý, kinh tế, xã hội, tính chưa chắc chắn về các kịch bản phát thải khí nhà kính... nên kịch bản hài hòa nhất là kịch bản trung bình được kiến nghị cho các bộ, ngành và địa phương làm cơ sở để đánh giá tác động của BĐKH, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Các kịch bản BĐKH, nước biển dâng sẽ được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chương trình mục tiêu quốc gia: cuối năm 2010, hoàn thành việc cập nhật các kịch bản BĐKH có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn cho từng giai đoạn.
Nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay là đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng các kịch bản BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng và triển khai các dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH ở các lĩnh vực và địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhằm rút kinh nghiệm hoàn thiện kế hoạch hành động để có thể triển khai toàn diện trong giai đoạn 2011-2015.
Theo VACNE, 04/06/2009, thiennhien.net