Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và sự biến đối khí hậu đã cảnh báo thế giới rất nhiều điều. Cả hai cuộc khủng hoảng này đều cho chúng ta thấy được sự phức tạp của thế kỷ 21. Thế giới đang nỗ lực để khắc phục những hậu quả và thoát khỏi hai cuộc khủng hoảng này, nhưng dường như những nỗ lực ấy là chưa đủ, ngay cả trong lĩnh vực bảo tồn biển, một hệ sinh thái là nguồn sống vô cùng cần thiết của con người. Sẽ không là quá muộn nếu nhân loại biết tự nhìn lại hai cuộc khủng hoảng để thay đổi, hướng tới một nền kinh tế “xanh” và một hệ sinh thái biển khỏe mạnh.
Khủng hoảng tài chính và môi trường
Sự phụ thuộc quá nhiều của các ngân hàng Hoa Kỳ vào các khoản thế chấp dưới mức quy chuẩn có liên hệ với việc phá sản của các ngân hàng ở Đức và tâm lý hoang mang đối với những nhà sản xuất ô tô ở Detroit. Các nhà máy nhiệt điện của Mỹ và Trung Quốc là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng nước biển dâng cao ở Bangladesh và sự tan chảy của những dòng sông băng ở Greenland.
Cũng tương tự như vậy, những gì đang xảy ra với biển và đại dương có thể thực sự tác động tới chúng ta. Những dạng vật chất và dịch vụ thiết yếu mà con người phụ thuộc vào như khí oxy, khả năng lưu trữ các-bon và nguồn thủy sản đều có liên hệ với hệ thống biển và đại dương.
Lượng CO2 gia tăng trong nước biển đang thay đổi tính chất hoá học của chính nước biển và đe doạ phân huỷ lớp vỏ can-xi bảo vệ của nhiều loài sinh vật biển. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao, dòng chảy thay đổi, phá vỡ môi trường sống, gây ảnh hưởng tới nguồn thức ăn của những động vật lớn hơn.
Các nhà khoa học nghiên cứu về đại dương hiện đang cảnh báo chúng ta rằng ba hiểm họa môi trường - biến đổi khí hậu, sự axit hóa nước biển và sự quản lý lỏng lẻo ngành thuỷ sản - không chỉ đe doạ loài cá ngừ, rùa biển và cá voi - những đứa con của đại dương bao la - mà còn đe doạ tới những loài thực vật bé nhỏ, những loài cấu thành nền tảng của lưới thức ăn đại dương. Những loài thực vật nhỏ bé này chuyển đổi năng lượng mặt trời thành oxy duy trì sự sống và thức ăn cho con người cùng các loài động vật khác.
Bài học từ khủng hoảng
Nếu có bài học nào cho chúng ta từ khủng hoảng tài chính toàn cầu thì đó chính là: Mỗi thảm hoạ đều có sự khởi đầu nhưng khó tiên lượng hậu quả. Và để thoát ra khỏi thảm hoạ đó sẽ vô cùng tốn kém.
Chúng ta cũng biết rằng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giám sát khối ngân hàng là những thành phần quan trọng trong quản lý tài chính hiệu quả. Những chiến lược có rủi ro cao mặc dù mang lại nhiều lợi nhuận cho số ít người trong một thời gian nhưng cuối cùng sẽ mang lại kết cục không tốt đẹp cho số đông.
Cả hai cuộc khủng hoảng buộc chúng ta phải xem xét lại phương thức kinh doanh truyền thống và tìm ra phương thức mới để thích nghi trong bối cảnh hợp tác toàn cầu. Hiện tại, vì sự bền vững của cuộc sống trên Trái Đất, chúng ta cần áp dụng những bài học có tính cảnh báo đối với công tác quản lý đại dương trên toàn thế giới: cần tránh những kế hoạch có rủi ro cao như thám hiểm địa chất đại dương mà thay vào đó nên đầu tư vào những chiến lược ít rủi ro, chẳng hạn như thiết lập mạng lưới toàn diện những khu bảo tồn biển và quản lý một cách thận trọng các hoạt động khai thác đại dương.
Ngoài việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, đặc biệt là CO2, những biện pháp kể trên còn đảm bảo gìn giữ những giá trị lâu dài nhất giúp chúng ta vượt qua cơn bão kinh tế và môi trường sắp tới.
Điều kiện cần cho một nền kinh tế xanh
Các chuyên gia khoa học khuyến cáo rằng để đảm bảo một nền kinh tế xanh khoẻ mạnh, cần có bốn điều.
Thứ nhất, Hoa Kỳ có những động thái tích cực trong đối thoại toàn cầu, không chỉ ở Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Copenhagen, mà còn ở những cuộc họp có trọng tâm chính về đa dạng sinh học và đại dương, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển và Công ước về Đa dạng sinh học.
Hoa kỳ là quốc gia công nghiệp lớn duy nhất trên thế giới không tham gia cả hai Công ước trên. Bởi Hoa Kỳ biện giải rằng điều này sẽ khiến họ trở thành nước đi đầu chứ không bị tụt hậu trong việc thúc đẩy cải thiện cách quản lý các đại dương nằm ngoài quyền hạn quốc gia trước khi đại dương bị khai thác quá mức với những hậu quả mang tính toàn cầu.
Thứ hai, Liên hợp quốc cần có biện pháp khắc phục nền kinh tế ảm đạm hiện nay. Do không có tổ chức nào có quyền quản lý biển cả ở mức toàn cầu, vì vậy Liên hợp quốc cần thiết lập một mục tiêu chung và thể chế giám sát để định hướng hoạt động cho những tổ chức chịu trách nhiệm điều chỉnh hoạt động của ngành thuỷ sản, vận chuyển hàng hải và các kế hoạch thám hiểm địa chất dưới lòng đại dương trong tương lai.
Hệ thống ngân hàng chuyên đầu tư và phát triển liên quan tới biển và các thành viên của họ cần được giám sát liên tục và có trách nhiệm giải trình để đảm bảo rằng nó được quản lý một cách hiệu quả.
Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã liệt kê 10 nguyên tắc quản lý tài nguyên biển. Những nguyên tắc này đã được thống nhất trên toàn thế giới và được áp dụng trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng lãnh thổ của nhiều quốc gia, song lại chưa được áp dụng một cách phù hợp với hệ sinh thái biển.
Thứ ba, chúng ta cần tăng qui mô mạng lưới các khu bảo tồn biển, tiến tới mở rộng ra các đại dương toàn cầu. Tuyên bố Manado về Đại dương được ký ở Hội nghị Đại dương quốc tế tại Indonesia đã công nhận những khu bảo tồn biển là trọng tâm đầu tư trong sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học biển, hỗ trợ ngành thuỷ sản bền vững và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, các khu bảo tồn biển chỉ chiếm 0,8% diện tích đại dương, và phần lớn là những khu vực nhỏ riêng lẻ gần bờ, còn môi trường sống và các chu trình sống xa bờ và ngoài quyền hạn quản lý của các quốc gia lại không được bảo vệ. Trong khi đó, có hơn 11% diện tích đất trên trái đất được bảo vệ nhờ các vườn quốc gia và các hệ thống bảo tồn khác.
Để tăng qui mô mạng lưới bảo tồn biển, chính phủ và các nhà khoa học cần xác định và bảo vệ những khu vực đặc biệt có ý nghĩa đối với nền kinh tế biển. Công việc quan trọng nhằm xác định những khu vực này hiện đang được tiến hành tại Hội Nghị về Đa dạng Sinh học và cũng nằm trong phạm vi hoạt động của các tổ chức bảo vệ đại dương ở cấp khu vực. Song, ở cấp toàn cầu, Liên Hợp quốc cần thực hiện những công việc tiếp theo để đảm bảo những khu vực này được bảo vệ một cách hợp lý, song song với việc xây dựng năng lực quản lý cấp khu vực.
Để hỗ trợ các khu bảo tồn biển, chúng ta cũng cần phát triển những công cụ quản lý dựa trên hệ sinh thái, xác định khu vực đang có nguy cơ, đánh giá môi trường về những hoạt động chưa được quản lý hoặc quản lý lỏng lẻo, đồng thời giám sát và kiểm tra từ xa các hoạt động của con người và hệ sinh thái. Chúng ta cũng cần mở rộng nghiên cứu đại dương và đánh giá môi trường để tăng hiểu biết về các mối liên hệ của hệ sinh thái và các tác động tích tụ.
Thứ tư, chúng ta cần thiết lập cơ cấu tài chính để bảo tồn biển. Nguồn hợp lý có thể là ngân sách từ thuế cac-bon và chương trình trao đổi khí thải CO2. Đồng thời với thuế môi trường, chúng ta có thể lập quỹ từ phí sử dụng thuỷ sản, hàng hải và các hoạt động khai thác biển dựa trên giá trị tài nguyên được khai thác sử dụng hoặc bị phá huỷ. Quỹ này có thể được sử dụng để xây dựng năng lực vùng trong công tác quản lý đại dương.
Giờ đây mọi người đều hiểu rằng các cuộc khủng hoảng hiện thời buộc chúng ta phải “xanh hóa” nền kinh tế. Nhưng chúng ta không được quên rằng 64% diện tích đại dương của chúng ta đang gặp nguy cơ từ những tác động được tích tụ do bị lạm dụng trong thời gian dài và sự quản lý lỏng lẻo. Chúng ta cũng cần thiết lập một nền kinh tế xanh mới.
Phạm Đỗ Quyên (Theo IUCN, 06/05/2009, thiennhien.net)