- Tình trạng ô nhiễm môi trường bờ biển tỉnh Phú Yên rất đáng báo động khi người dân sống dọc ven bờ xem nơi đây như là bãi đáp và xả rác.
Thống kê sơ bộ cho thấy có gần 90% số hộ không có nhà vệ sinh, buộc họ phải sử dụng bờ biển là nơi lý tưởng để giải quyết... “nỗi buồn”. Những bãi biển rất đẹp như Long Thuỷ, Từ Nham, Bãi Ngà, Nhơn Hội, Vịnh Hoà, Hoà An... mỗi buổi sáng muốn đi dạo hoặc tập thể dục phải chịu khó nhìn xuống đất nếu không rất dễ đạp phải “mìn”, đó là chưa kể rác hầu như xuất hiện bất cứ lúc nào.
Từ bờ biển Long Thuỷ kéo dài tới bờ biển Mỹ Quang với chiều dài gần 2 cây số, do từ Tết Nguyên đán đến nay ngư dân trúng đậm cá cơm Ba Lài nên từ sáng sớm đã có tới cả nghìn người ra khu vực bờ biển phơi cá, luộc cá.... Chỉ vào những bịch rác đựng trong bao nilon vứt bừa bãi trên bờ, bác Nguyễn Hảo ở thôn Mỹ Quang Nam, thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An cho biết: “Trước kia bờ biển này sạch hơn bây giờ. Do hiện nay cấm xe ba, bốn bánh tự chế hoạt động nên không có phương tiện nào thu rác. Người dân chỉ có cách đem bỏ rác ở bờ biển đợi khi thuỷ triều lên cho sóng đánh trôi. Như vậy thì môi trường không bao giờ trong lành. Quan trọng là phải làm sao để người dân có ý thức bảo vệ môi trường”.
Trước đây ở Mỹ Quang Nam phát động phong trào hàng tuần làm vệ sinh dọc bờ biển bằng cách thu gom rác rồi đào hố chôn lấp tại chỗ. Việc làm này chỉ giải quyết nhu cầu sạch trước mắt vì khi thuỷ triều lên, sóng đánh mạnh thì những hố rác sẽ lộ ra, đâu lại vào đấy.
Khu du lịch sinh thái Long Thuỷ thuộc xã An Phú (TP Tuy Hoà) nằm sát thôn Mỹ Quang Nam về phía nam vốn là một bãi biển rất đẹp nhưng như lời một người dân sống ở đây cho biết: Môi trường sống vùng du lịch sinh thái ở đây đang ô nhiễm nghiêm trọng do dân ở xã An Chấn và Long Thuỷ xả rác xuống cầu Đồng Nai....
Bí thư đảng uỷ xã An Phú, anh Đỗ Văn Tuấn cho biết: Do đường sá các thôn ở Long Thuỷ chỉ toàn là đường cát nên xe thu gom rác không vào trong từng khu vực. Trong khi hơn 600 hộ dân ở đây hầu như chưa có ý thức đem rác bỏ vào những điểm tập kết, nên khi đi ra biển thấy thuận đường là họ mang ra xả ngoài bờ.
Hiện nay, mỗi tháng xã An Phú chỉ thu được 4 triệu đồng tiền vệ sinh trong khi phải trả cho Công ty quản lý nhà và công trình đô thị 6 triệu đồng, nên buộc UBND thành phố Tuy Hoà phải bù lỗ cho địa phương 2 triệu đồng.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm xã đang làm dự án xây dựng đường bê tông xi măng trong từng xóm. Nếu được như vậy thì vấn đề vệ sinh môi trường ở bờ biển khu du lịch sinh thái Long Thuỷ có khả năng được giải quyết.
Ở Phú Yên, hàng năm ngư dân thả nuôi trên dưới 17.000 lồng tôm hùm và hàng nghìn lồng nuôi cá mú, ốc hương, ghẹ lột...Trong quá trình nuôi, phần lớn các hộ sử dụng hoá chất mà không ai kiểm soát được, đồng thời ngư dân thường sử dụng thức ăn sống nên gây ra lượng thức ăn thừa xả tại chỗ. Đây cũng là một nguyên nhân không chỉ làm chết hàng loạt loài thuỷ sản mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm trên bờ vì mùi hôi từ các lồng nuôi được kéo lên....
Hiện nay, việc bảo vệ môi trường sống vùng biển tỉnh Phú Yên chỉ mới thực hiện ở trên biển, còn bờ biển với chiều dài khoảng 190 cây số thì hầu như chính quyền các cấp cũng đành bó tay do nơi đây còn nghèo, trình độ dân trí thấp... Môi trường ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 10 vạn dân ven biển mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững nền kinh tế Phú Yên.
Theo TTXVN, 23/02/2009, thiennhien.net