Theo báo cáo của ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 85.097 ha đang có tôm nuôi, trong đó số diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp (CN- BCN) có 4.967 ha, diện tích chuyên nuôi tôm 16023 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến, kết hợp với nuôi các loại thủy sản khác là 63.900 ha. Nhưng số diện tích nuôi tôm công nghiệp trái vụ trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có gần 5.000 ha, vì theo lịch sản xuất của ngành thủy sản tỉnh công bố, lịch mùa vụ thả nuôi tôm được qui định như sau: từ tháng 2 đến tháng 6 là vụ nuôi tôm chính vụ (hay còn gọi là vụ 1); sau tháng 6 cho đến hết tháng 11 hàng năm, nông dân thả nuôi tôm vụ 2 (nuôi trái vụ).
Sở dĩ có việc nông dân nuôi tôm vụ 2 trong năm là do áp lực của thị trường chi phối. Những năm đầu, khi nông dân trong tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình sản xuất lúa + tôm (từ năm 2.000) thì họ chỉ nuôi một vụ tôm trong năm và trúng đậm, nhờ đó hàng chục ngàn hộ nông dân đã có cuộc sống khấm khá. Điều này, nếu như nông dân chỉ sản xuất nông nghiệp đơn thuần thì trong thời gian cả chục năm họ cũng chưa hề nghĩ tới cuộc sống sẽ được thay đổi. Khi nuôi con tôm đại trà thì việc này phải chịu sự chi phối của thị trường. Diện tích nuôi tôm được thu hoạch rộ vào cùng một thời điểm, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn ''ăn'' không hết hàng, do đó tôm nguyên liệu trở nên thừa, vậy đã xảy ra tình trạng ép cấp, ép giá tôm nguyên liệu từ người thu mua. Người nuôi tôm chỉ biết nín nhịn mà bán sản phẩm không còn biết kêu vào đâu cho thấu. Cơ quan quản lý chuyên ngành lúc này chỉ còn cách đưa ra giải pháp tình thế, hướng dẫn người nuôi tôm sản xuất '' rải vụ'', bằng cách '' tỉa thưa thả bù'' để không thu hoạch tôm nuôi cùng một lúc, sẽ dẫn đến cung, cầu mất cân đối và dễ bị ép giá, làm cho người nuôi tôm thua thiệt. Đây là nguyên nhân để hình thành "kiểu" nuôi tôm vụ 2 từ đó.
Công bằng mà nói, vụ thứ 2 nuôi tôm trong năm cũng có những thuận lợi như đã nêu trên và có tôm nguyên liệu rải đều quanh năm để phục vụ cho chế biến xuất khẩu; có lúc người nuôi tôm cũng trúng giá đậm, vì thường là vào thời gian từ tháng 7 trở về cuối năm hàng tôm nguyên liệu được giá, hút hàng mạnh, có những thời điểm giá tôm nguyên liệu được các doanh nghiệp tranh mua với giá rất cao, từ 150.000 đồng đến 160.000 đồng/kg. Do nuôi tôm vụ 2 trúng đậm, nên nhiều nông dân đua nhau nuôi trong vụ này. Khi nông dân trong tỉnh " đua nhau" nuôi tôm vụ 2 lên đến vài chục ngàn ha thì lập tức xuất hiện tình trạng bất cập về cung cấp con giống tôm có chất lượng cao, sạch bệnh để phục vụ nuôi tôm. Do nhu cầu về con giống lớn và phải mua từ ngoài tỉnh về, trong khi các hộ kinh doanh con tôm giống tìm đủ mọi cách để né tránh sự kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, vì vậy người nuôi tôm phải mua con giống trôi nổi ngoài thị trường để nuôi và phó mặc cho sự may rủi (thực tế đã trả lời là rủi nhiều hơn may). Nông dân nuôi tôm với con giống không đảm bảo, vì thế tôm chết hàng loạt, đặc biệt là đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp. Từ đó, chỉ sau một vài vụ nuôi tôm trái vụ ( vụ 2), người nuôi bị thất bại và hàng loạt hộ nuôi tôm phải lâm vào cảnh phá sản, nợ nần ngân hàng chồng chất. Tại xã Vĩnh Hậu (huyện Hoà Bình) có 1.800 hộ nuôi tôm theo nhiều mô hình khác nhau; đa số họ đã xây dựng được nhà lầu sau vài vụ nuôi tôm, nhưng đến nay sau vài vụ nuôi tôm trái vụ thì các hộ này bị ''thua nặng'' và bị nợ nần chồng chất. Điển hình như hộ chị Kha Kim Thoa, ở ấp 17, xã Vĩnh Hậu (huyện Hoà Bình), hộ chị Huỳnh Thị Mai, ấp 17, hộ anh Trần Quốc Nam ấp 16, xã Vĩnh Hậu, do nuôi tôm trái vụ bị thua lỗ nặng, nên bỏ quê đi làm thuê nơi xứ người. Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu cho chúng tôi biết: hiện, xã này có trên 400 người bỏ vuông tôm để đi làm thuê ở nhiều địa phương khác ngoài tỉnh Bạc Liêu, chỉ vì họ thất bại nuôi tôm vụ 2 nhiều năm liền.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: nuôi tôm vụ 2 rất khó ''ăn'', bởi mấy lý do, do môi trường nước biến động thất thường và do ảnh hưởng của mưa bão đã làm cho nhiệt độ nước ở các vuông tôm bị biến đổi đột ngột, nên tôm bị ''sốc nước'' và chết. Năng suất tôm nuôi vụ 2 trong năm thường thấp hơn vụ 1, từ 700 đến 1.000 kg/ha (mô hình nuôi công nghiệp), cho nên dù có trúng giá tôm cũng khó bù lại chi phí do người nuôi tôm bỏ ra.
Như vậy, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đã quá đủ thực tế để xác định lại mùa vụ chính thức cho nghề nuôi tôm của các địa phương trong tỉnh nhằm tránh thiệt hại lớn cho người nuôi tôm./.
Nguồn vietlinh