Trong những ngày qua, giá tôm nguyên liệu đột ngột giảm mạnh, giảm đến mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nuôi tôm trong tỉnh. Những người nuôi tôm thất thu hàng tỷ đồng do tôm rớt giá. Thế nhưng, ngành chức năng vẫn chưa có động thái tích cực để bình ổn thị trường, vẫn còn thả nổi cho các doanh nghiệp, đại lý thu mua tôm tự ấn định giá.

Giá tôm nguyên liệu trên thị trường đột ngột giảm mạnh, đặc biệt có ngày giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Hiện các đại lý thu mua tôm loại 30 con/kg với giá trên dưới 100.000 đồng/kg, giảm bình quân 20 - 25 ngàn đồng/kg (so với tháng trước tôm cỡ 30 con/kg giá 125.000 đồng/kg). Đối với tôm cỡ nhỏ, giá càng sụt giảm thảm hại hơn (tôm cỡ 40 con/kg hiện chỉ còn 70 ngàn đồng/kg, giảm trên 30 ngàn đồng/kg). Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi tôm của người dân, làm giảm nguồn thu, lợi nhuận sau vụ thu hoạch của người nuôi tôm. Trao đổi với chúng tôi về việc giá tôm sụt giảm bất thường như hiện nay, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là do Bạc Liêu đang vào thời điểm thu hoạch tôm nuôi công nghiệp chính vụ với sản lượng tôm khá lớn. Hiện các doanh nghiệp còn tồn đọng hàng ngàn tấn tôm nguyên liệu loại 40 con/kg. Ông Hải dự báo từ nay đến cuối năm, không chỉ ở Bạc Liêu mà trên phạm vi cả nước, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Có một điều rất lạ trong thu mua tôm nguyên liệu từ trước đến nay là việc đánh giá cỡ tôm và giá thu mua tôm đều do doanh nghiệp chế biến xuất nhập khẩu thủy sản và các đại lý thu mua tôm nguyên liệu tự ấn định, còn ngành chức năng không đả động gì(!?) Nếu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, giá có tăng hay giảm dù chỉ 500 - 1.000 đồng/lít, thì ngành chức năng vẫn thông báo rộng rãi để các đơn vị kinh doanh áp dụng và cả người tiêu dùng được biết, qua đó nhằm giảm thiệt hại trong sản xuất - kinh doanh; còn ngược lại, việc quản lý giá tôm nguyên liệu thì trong thời gian qua lại phó mặc cho các doanh nghiệp và đại lý thu mua tôm. Từ đó làm cho giá tôm tại các đại lý thu mua trên địa bàn tỉnh cũng khác nhau, chênh lệch từ một đến vài ba ngàn đồng/kg.

Thị trường tôm nguyên liệu đang diễn biến bất ổn, song các ngành chức năng vẫn chưa có động thái tích cực để bình ổn thị trường, bình ổn giá để bà con an tâm sản xuất. Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản, cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến giá tôm sụt giảm mạnh thì đã rõ. Còn dự báo về giá cả tiêu thụ tôm nguyên liệu sắp tới cũng như tìm giải pháp để bình ổn giá, đẩy mạnh tiêu thụ nguồn tôm do nông dân sản xuất thì đây là vấn đề “nhạy cảm”, cần có thời gian để tìm hiểu sâu hơn”. Trong khi đó, Sở Thương mại và Du lịch chỉ với chức năng quản lý Nhà nước nên cũng cũng khó tác động tích cực đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản để đẩy mạnh xuất khẩu, thu mua nguồn tôm nguyên liệu, bình ổn giá tôm…

Để đẩy mạnh tiêu thụ nguồn tôm nguyên liệu trong dân, các ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp, tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, đại lý thu mua tôm. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là người nuôi tôm, đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Tôm giảm giá mạnh, người nuôi hoang mang, lo lắng… Qua đó, có thể thấy rằng nghề nuôi tôm vẫn chưa thật sự ổn định, còn lắm bấp bênh, nhiều rủi ro chực chờ, trong đó, giá cả đầu ra (có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đến hiệu quả sản xuất) lại bị thả nổi, do doanh nghiệp quyết định, từ đó, đẩy người sản xuất lọt vào thế bị động và phải lo lắng triền miên.

Thanh Phong (Nguồn vietlinh)