Nguồn nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu thu mua được trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Trong ảnh: Hoạt động thu mua nguyên liệu thủy sản tại Công ty Baseafood không còn nhộn nhịp như xưa.

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đều không đạt được kế hoạch xuất khẩu như đã đề ra. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn quốc, thì thiếu nguyên liệu chế biến là một trong những bài toán nan giải của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động khoảng 60-70% công suất vì thiếu nguyên liệu. Bà con ngư dân cũng cho biết, một số chuyến biển đầu năm được mùa, những chuyến biển sau đó sản lượng của các tàu thuyền chỉ đạt từ 50 - 60% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ tàu cá BV 9596 TS, ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết: “Mấy chuyến biển vừa qua, tàu của tôi chỉ đạt sản lượng khoảng 20 tấn/chuyến, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Đã vậy, các loại cá có giá trị cao… rất ít. Bên cạnh đó, do giá dầu, lương thực phẩm tiếp tục tăng, một số ngư dân không cân đối được thu - chi nên đành phải “bỏ biển”. Ngư dân mất mùa, các doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu sản xuất nên cũng hoạt động cầm chừng.

Mặc dù, đã có nhiều biện pháp chủ động thu mua nguyên liệu như: “bắt tay” với các nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản cả nước từ miền Trung, miền Tây và tại địa phương, nhưng Công ty cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) cũng chỉ mua được 60% nguyên liệu so với kế hoạch. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Coimex chỉ xuất khẩu được hơn 4.000 tấn hàng, kim ngạch đạt hơn 10 triệu USD, bằng 60% so với kế hoạch. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện sản lượng nguyên liệu mua được chỉ khoảng 70% nhu cầu sản xuất, một số mặt hàng như: cá chỉ vàng, bạch tuộc… không có để mua. Để bù đắp nguyên liệu, công ty đã tăng nhập khẩu từ nước ngoài và chấp nhận giá cao hơn 15%, dẫn đến lợi nhuận của công ty giảm 50%.

6 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh đã xuất khẩu được 41.560 tấn thủy sản, đạt kim ngạch 97,2 triệu USD, bằng 34% kế hoạch năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôm, mực, cá...

Toàn tỉnh hiện có 220 cơ sở chế biến thủy sản, nhu cầu nguyên liệu khoảng 450.000 tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng khai thác của tỉnh mỗi năm chỉ khoảng 200.000 tấn, trong đó chỉ có 60% bảo đảm chất lượng cho chế biến xuất khẩu. Cái khó hiện nay là phần lớn sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đều ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, phải sử dụng nhiều nguyên liệu. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá xuất khẩu hải sản giảm từ 50-60% so với cùng kỳ năm 2008. Giá xuất khẩu giảm, kéo theo giá các loại hải sản giảm mạnh. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều tàu cá của ngư dân không mặn mà với việc ra khơi.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã tăng cường xây dựng mối quan hệ với ngư dân. Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Công ty Coimex cho biết, Coimex đang thực hiện các biện pháp như bảo đảm thu mua hết sản lượng đánh bắt cho một số tàu cá của ngư dân trước khi họ ra khơi. Mặt khác, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty thu mua nhiều loại cá khác nhau để chế biến. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời của các doanh nghiệp. Về chiến lược lâu dài, nhiều công ty chế biến thủy sản cho rằng, ngành thủy sản cần tổ chức những đội tàu làm dịch vụ hậu cần nghề biển, ra khơi lấy dầu đổi cá nhằm giúp ngư dân giảm bớt chi phí vào đất liền thường xuyên, tiếp tục bám biển. Có như vậy, mới hạn chế được tình trạng thiếu nguyên liệu như trong thời gian qua.

Thanh Nga (Nguồn vietlinh)