Hầu hết các nước nhập khẩu tôm, nhất là Mỹ đều ưa chuộng tôm chân trắng hơn tôm sú Ấn Độ.
Chi phí trung bình sản xuất tôm chân trắng là 90 rupi/kg trong khi tôm sú là 160 rupi/kg.
Tôm chân trắng chiếm 90% sản lượng tôm nuôi toàn cầu
Tôm chiếm trên 53% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ
Xuất khẩu tôm của Ấn Độ đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tôm chân trắng giá thấp của Thái Lan, Trung Quốc, Inđônêxia và Việt Nam. Hầu hết các nước nhập khẩu tôm, nhất là Mỹ đều chuộng tôm chân trắng hơn tôm sú Ấn Độ cùng cỡ 21-25con/kg vì giá rẻ hơn.
Sự xuất hiện của loài tôm này trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu tôm của Ấn Độ vốn đã bị áp lực bởi đồng rupi tăng giá.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), giá trung bình tôm Ấn Độ giảm trong 3 năm qua. Giá tôm cỡ 21-25 giảm từ 495 rupi/kg vào năm 2005-06 xuống 399 rupi/kg.
Ông A J Tharakan, chủ tịch SEAI cho biết, nhờ chi phí sản xuất thấp Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia và Trung Quốc có thể bán sản phẩm với giá rẻ hơn, đe dọa đến xuất khẩu của Ấn Độ. Chi phí sản xuất trung bình tôm chân trắng là 90 Rupi/kg trong khi chi phí tôm sú là 160 rupi/kg.
Đây là vấn đề nghiêm trọng vì tôm là mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ, luôn có đơn giá cao hơn so với các sản phẩm khác như cá, mực nang và mực ống đông lạnh. Tôm đông lạnh chiếm hơn 53% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ. Năm 2006-07 xuất khẩu tôm đạt 45,0608 tỷ rupi trong tổng xuất khẩu thủy sản 83,6353 tỷ rupi.
Ấn Độ sản xuất được 150.000 tấn tôm/năm, chủ yếu là tôm sú Monodon (Black Tiger), tôm thẻ Indicus và tôm càng Macrobrachium Rosenbergii. Trung Quốc sản xuất được 650.000 tấn, Thái Lan 450.000 tấn, Inđônêxia 400.000 tấn và Việt Nam 350.000 tấn. Tôm chân trắng chiếm 90% sản lượng tôm nuôi toàn cầu.
Ông Tharakan cho rằng chính phủ Ấn Độ nên cho phép nuôi tôm chân trắng để cạnh tranh với các nước Châu Á khác. Mặc dù SEAI đã kiến nghị nhiều lần nhưng chính phủ nước này vẫn chưa cho phép nuôi loài tôm này vì vấn đề sinh thái.
Nguồn vasep