Ảnh minh họa
Theo đó, Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra trong năm 2020, cụ thể, trên lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp phấn đấu tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98% so với 97% năm 2019, xếp loại C được nâng hạng A/B tăng lên 90% so với 86% năm 2019.
Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phấn đấu tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn năm 2020 tăng lên 75% so với 65% năm 2019. Đồng thời, tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi đạt 50%. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2019.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo điều hành, gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao.
Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, bày bán nông sản, thủy sản tươi sống. Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.
Để thực hiện các nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nhằm tổ chức giám sát, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam. Phối hợp với các Bộ, ngành để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Đối với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp &PTNT xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 tại địa phương; trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và tổ chức triển khai bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn quản lý.
Chi tiết xem tại: http://tongcucthuysan.gov.vn
Văn Thọ