Thứ Trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội nghị
Đến dự Hội nghị gồm có: TS. Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT; Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Phụ trách, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi hải sản; Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ TCCB; Ông Phan Ngọc Quang, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng Hải Việt Nam VISHIPEL cùng toàn thể cán bộ viên chức, lao động thuộc Viện. Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Viện trưởng Nguyễn Quang Hùng đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị TS. Nguyễn Quang Hùng đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động KHCN năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của Viện nghiên cứu Hải sản. Viện đã triển khai, thực hiện trên 50 đề tài/dự án/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp
Năm 2016, 15 nhiệm vụ KHCN của Viện đã được nghiệm thu cấp quản lý, trong đó có 06 đề tài đạt loại xuất sắc, 06 đề tài đạt loại khá và 03 đề tài xếp loại đạt. Các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đã được chuyển giao cho cơ quan quản lý, đề xuất ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của các địa phương, doanh nghiệp. Viện đã đăng ký bảo hộ 01 sở hữu trí tuệ, 01 giải pháp hữu ích. Hội đồng xét sáng kiến đã đánh giá để Viện công nhận 27 sáng kiến cấp cơ sở và đề xuất trình Bộ để xem xét, công nhận 14 sáng kiến cấp Bộ.
Về lĩnh vực nguồn lợi hải sản và nghề cá biển: đã đánh giá được hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản và nghề cá ở biển Việt Nam giai đoạn đoạn 2011-2015. Dự án điều tra liên hợp Việt-Trung do Viện chủ trì (từ năm 2006-nay), đã đánh giá được hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản trong vùng đánh cá chung VBB. Kết quả nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam GĐ 2011-2016: đã được Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo công bố, cung cấp những dữ liệu đầu vào cho Tổng cục Thủy sản và 28 tỉnh ven biển làm căn cứ rà soát, điều chỉnh quy hoạch khai thác hải sản ở từng vùng biển; Tư vấn cho ngành thủy sản có những quyết sách quan trọng về chiến lược quản lý và phát triển nghề cá biển đến năm 2020-2030 như: Điều chỉnh cơ cấu sản lượng khai thác; Điều chỉnh nhóm đối tượng khai thác và cơ cấu nghề khai thác phù hợp với cấu trúc nguồn lợi ở từng vùng biển của Việt Nam.
Về lĩnh vực nghiên cứu ĐDSH và Bảo tồn biển: Những kết quả nghiên cứu về ĐDSH và bảo tồn biển đã cung cấp dữ liệu khoa học cho việc qui hoạch, rà soát qui hoạch, thiết lập và kế hoạch quản lý các khu BTB; Tư vấn bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn lợi và các HST biển.
Về lĩnh vực dự báo ngư trường: Đã hoàn thiện được "Quy trình công nghệ dự báo ngư trường hạn ngắn“: có thể triển khai dự báo ở mọi vùng biển của Việt Nam với các hạn dự báo tùy chọn (1 tháng, nửa tháng, 10 ngày và 1 tuần) và kích thước ô lưới tùy chọn; Hợp tác tốt với Vishipel, Đài truyền hình Việt Nam, Tổng cục Thủy sản để phát hành các bản tin dự báo ngư trường đến ngư dân khai thác trên biển.
Về lĩnh vực khai thác hải sản: Đã đánh giá được hiện trạng khai thác hải sản theo từng vùng biển ở Việt Nam và tình hình kinh tế - xã hội của cộng đồng ngư dân ven biển: Đây là cơ sở khoa học cần thiết phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu và nghề nghiệp khai thác; Nghiên cứu ứng dụng thành công "Tấm lưới mắt vuông cho nghề lưới kéo“; Xây dựng mô hình hiệu quả về "Cơ giới hóa cho nghề lưới chụp mực
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác của Viện đã giúp ngư dân khai thác trên biển đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng năng suất, nâng cao sản lượng khai thác; Cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào cho Đề án "Qui hoạch khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030“ do Viện là đơn vị Tư vấn qui hoạch.
Về lĩnh vực công nghệ sinh học, chế biến và bảo quản sau thu hoạch: đã hoàn thiện "Quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng từ tảo nano“ (đã sản xuất được 150kg tảo), kết quả nghiên cứu mở ra triển vọng ứng dụng SX thực phẩm chức năng từ tảo N.oculata; Nghiên cứu thành công "Quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô“ thông qua phát sinh mô sẹo; đã cải tiến thiết bị và xây dựng “Quy trình công nghệ bảo quản thủy sản trên tàu lưới kéo xa bờ bằng công nghệ làm lạnh hỗn hợp” phù hợp với điều kiện sản xuất và trình độ của ngư dân Việt Nam; Hợp tác với Công ty YZSIDE.COM của Nhật Bản: thí nghiệm, ứng dụng mô hình bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano (UFB): đã nâng cao tỉ lệ chất lượng cá ngừ làm Sashimi đạt tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản; Hợp tác với ngư dân: Thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống sấy mực ống bằng công nghệ sấy chân không trên tàu khai thác hải sản xa bờ đạt năng suất 200 kg/mẻ; Phối hợp với Doanh nghiệp: nghiên cứu thành công và xây dựng quy trình công nghệ chế biến một số sản phẩm từ Hàu (hàu xông khói, hàu khô chín tẩm gia vị, dầu hàu); Cải thiện được hương nước mắm truyền thống Ninh Cơ, Cát Hải.
Những kết quả nghiên cứu về CNSH và bảo quản STH của Viện đã góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và GTGT các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Về lĩnh vực nuôi biển và tái tạo nguồn lợi: đã chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn cho các tỉnh ven biển nhiều "Quy trình, công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng kinh tế, quí hiếm“ như: Bào ngư chín lỗ, hải sâm đen, trai ngọc, rạm, cá mao ếch, nghêu Bến tre, cá ngừ đại dương, cá bớp, cá nác, ngao ô vuông...; Nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi ghép "cá măng-tôm sú“ đạt hiệu quả kinh tế; Kết quả nghiên cứu đã kịp thời chuyển giao, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất, góp phần chủ động nguồn giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi và tái tạo nguồn lợi tự nhiên.
Về lĩnh vực quan trắc và cảnh báo môi trường biển: đã xác định nguyên nhân, mức độ nhiễm Cardimi, thủy ngân và đề xuất được giải pháp giảm thiểu và hạn chế việc tích tụ kim loại nặng trên nghêu lụa, sò lông và điệp quạt; Cảnh báo kịp thời diễn biến và nguy cơ ô nhiễm môi trường tại vùng biển Đông - Tây Nam Bộ, biển Côn Sơn và vùng nuôi cá biển tập trung tại Cát Bà - HP, Long Sơn - Bà Rịa Vũng Tàu phục vụ cho công tác quản lý, BVMT của Quốc gia và ngành thủy sản; Đã xây dựng được mô hình quản lý, BVMT theo đặc thù hoạt động của từng loại hình cảng cá: bến cá, cảng cá quy mô lớn gắn với CBTS, cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; Đặc biệt, trong đợt xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, Viện đã phối hợp tốt với TCTS và các đơn vị liên quan, có những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả cho việc xác định nguyên nhân ô nhiễm môi trường, mô phỏng mô hình phát tán ô nhiễm, hướng dẫn vùng khai thác an toàn; Tư vấn trực tiếp cho Lãnh đạo Bộ để có các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra: Được Bộ trưởng tặng Bằng khen thưởng đột xuất cho tập thể Viện và 03 cá nhân.
Về công tác đấu thầu nhiệm vụ KHCN mới: Viện đã đề xuất và trúng thầu thêm được 19 nhiệm vụ KHCN các cấp (gồm: 03 nhiệm vụ cấp Nhà nước; 08 nhiệm vụ cấp Bộ; 04 nhiệm vụ cấp Tỉnh/TP; 04 nhiệm vụ Hợp đồng nhánh).
Về công tác thông tin, xuất bản: Viện đã được đẩy mạnh, tăng cả về số lượng và chất lượng: đã đăng tải 65 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, uy tín ở trong và ngoài nước. Trong đó, có 03 bài báo quốc tế (ISI), xuất bản 01 số chuyên đề ‘KH&CN Biển‘ trên Tạp chí NN&PTNT nhân dịp 55 năm kỷ niệm thành lập Viện. Xuất bản định kỳ 04 số Bản tin giới thiệu các hoạt động và kết quả nghiên cứu nổi bật của Viện; Cải tiến, nâng cấp Bản tin thành ấn phẩm sách "KHCN nghề cá biển“. Công tác xuất bản đã giới thiệu, phổ biến kịp thời các kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao vị thế của Viện, tham khảo khoa học và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, địa phương.
Về đào tạo và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng: Viện hiện có 15 NCS đang đào tạo ở trong và ngoài nước (trong đó 05 NCS đang đào tạo tại nước ngoài; 10 NCS đào tạo trong nước), năm 2016 đã tuyển sinh mới thêm 04 NCS tại Viện. Duy trì, mở rộng quan hệ HTQT với các nước trong khu vực và trên thế giới Năm 2016, Viện đã tiếp và làm việc với 14 đoàn khách quốc tế với 24 lượt người vào làm việc tại Viện; 17 đoàn ra nước ngoài công tác và trao đổi kinh nghiệm; đã ký kết được 03 hợp đồng với Công ty YZSIDE.COM về nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano UFB (Ultra Fine Bubble) bảo quản cá ngừ đại dương và giám sát các hoạt động khai thác cá ngừ đại dương giống (cá ngừ vây vàng, mắt to) trên tàu lưới vây của ngư dân; Đã phối hợp với SEAFDEC điều tra nguồn lợi cá mập, cá đuối tại vùng biển Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu; Tổ chức thành công 02 khóa tập huấn cho các cán bộ của Banglades về: “Thu thập dữ liệu các loài cá mập, cá đuối ở vùng biển Việt Nam” và “Kỹ thuật sản xuất và ương cua giống” do SEAFDEC tài trợ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã phát biểu chỉ đạo và định hướng hội nghị, đưa ra các nhiệm vụ cho Viện trong thời gian tới, mời Viện tham gia sửa đổi Luật Thủy sản (Luật thế hệ mới, tiếp cận hội nhập quốc tế, bám sát tái cơ cấu, bổ sung chiến lược), đổi mới hoạt động, bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ. Thứ trưởng cũng đề xuất một số nhiệm vụ đối với Viện như:
- Đề tài/Nhiệm vụ nghiên cứu về lưới rê hỗn hợp, chụp mực
- Đề tài/Nhiệm vụ nghiên cứu bảo quản sản phẩm theo chuỗi (tập trung chủ yếu vào cá ngừ đại dương và cá ngừ vằn)
- Nghiên cứu và điều tra nguồn lợi khai thác cá tầng đáy
- Nghiên cứu và phát triển rong tảo biển (Phối hợp với Vụ Tổ chức đề xuất gắn với Trung tâm)
- Điều tra và nghiên cứu xác định các bãi đẻ và vùng cấm khai thác, đề xuất các chính sách
- Công nghệ dự báo ngư trường: cập nhật, nâng cao chất lượng dự báo (Đặc biệt hướng đến công nghệ hiện đại nhât: Dự báo tức thì)
- Đề án tổng thể xác định thiệt hại và khôi phục môi trường, tạo sinh kế cho người dân ở 04 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường biển.
- Chính thức đề xuất đưa Tàu nghiên cứu vào chương trình viện trợ của Nhật….
Hội nghị cũng được nghe những ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu tham dự về công tác chuyên môn, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, công tác chính quyền, đoàn thể và phương hướng nhiệm vụ của Viện năm 2017, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Viện trưởng Nguyễn Quang Hùng thống nhất đánh giá năm 2016 Viện đã có những bước tiến mới, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những bước chuyển biến mạnh áp sát yêu cầu của Bộ; các nỗ lực gây dựng vị thế và tăng cường tiếng nói của Viện đã bước đầu mang lại hiệu quả. Toàn thể Viện đang thể hiện một không khí lao động, phấn đấu sôi nổi, khẩn trương hơn, chào đón năm 2017 thành công hơn nữa.
Vũ Thị Thu Hằng.