Ảnh minh họa
Việc dư cung dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất thủy sản nhằm chiếm được thị phần nhiều hơn, vì vậy giá xuất khẩu thủy sản sẽ có xu hướng giảm. Ngoài ra, còn tiềm ẩn rủi ro về các rào cản thương mại và kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Đây là điều mà ngành thủy sản Việt Nam cần đặc biệt chú ý.
Dự báo TOP 10 nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới đến năm 2030
Nhìn chung, trong TOP 10 nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới và chiếm 55% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Thương mại Thủy sản TOP 10 quốc gia nhập khẩu thế giới vẫn thâm hụt khoảng trên 40 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ thâm hụt 15,57 tỷ USD, Nhật Bản thâm hụt 13,74 tỷ USD, Pháp thâm hụt trên 5 tỷ USD, Đức thâm hụt 851 triệu USD, Italy thâm hụt 5,75 tỷ USD, Thụy Điển thâm hụt 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc thâm hụt gần 5 tỷ USD, Anh thâm hụt gần 1,5 tỷ USD.
Như vậy, thương mại thủy sản toàn cầu 10 quốc gia nhập khẩu thủy sản vẫn còn dư địa khoảng 40 tỷ USD vào năm 2030, và nếu như TOP 10 quốc gia xuất khẩu vẫn tiếp tục duy trì phát triển như trong giai đoạn 10 năm vừa qua thì thị trường 10 nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới sẽ được phân bổ như sau: Trung Quốc chiếm thị phần 11,9% (tương đương khoảng 4,7 tỷ USD), Nauy chiếm 6,1% (tương đương 2,5 tỷ USD), Việt Nam chiếm 6,5% (tương đương khoảng 2,6 tỷ USD), Thái Lan chiếm 3,6% (tương đương 1,4 tỷ USD), Ấn Độ chiếm 5,4% (tương đương 2,2 tỷ USD), Chilê chiếm 4,1% (tương đương 1,6 tỷ USD)… điều này cho thấy mục tiêu phấn đấu của ngành thủy sản Việt Nam đạt 18-20 tỷ USD đến năm 2030 là vô cùng khó khăn, muốn đạt được mục tiêu này Việt Nam phải đánh bật được một số nước có chiến lược xuất khẩu vào top 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu thế giới. Đây là một trong những chú ý hết sức đặc biệt với ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các cường quốc thủy sản mới nổi khác, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Banglades… trong giai đoạn 10 năm tới.
Dự báo tiêu thụ thủy sản tại thị trường Việt Nam
Theo dự báo của FAO, mức tiêu thị thủy sản đầu người của Việt Nam sẽ đạt 36,6kg/người/năm vào năm 2030, theo Tổng cục Thống kê dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt 104 triệu người vào năm 2030, tổng mức tiêu thụ thủy sản ở thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 3,81 triệu tấn vào năm 2030. Cũng theo Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 50 triệu lượt vào năm 2030, với số ngày lưu trú bình quân 2 ngày, 1 đêm, bình quân mỗi khách du lịch chi tiêu gần 150 USD/người/ngày, riêng chi tiêu cho thực phẩm khoảng 28,5%, tương đương 42,6 USD/người/ngày, ước tính chi tiêu cho thủy sản chiếm khoảng 30% tổng chi tiêu cho thực phẩm (tương đương 12,8 USD/người/ngày, mức chi tiêu này so với bình quân khách du lịch trong nước vẫn còn thấp). Với mức chi tiêu này, ước tính đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại chỗ sẽ khoảng 1,28 tỷ USD.
Thị trường tôm và cá tra toàn cầu hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam đến năm 2030
Với sự xuất hiện của ngành tôm Ấn Độ, Ecuador, Banlades, Indonesia… đã đánh bật ngành tôm của các nước, trong đó có ngành tôm của Việt Nam ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… Hiện thị phần thị trường tôm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, có sự góp mặt của trên 40% thị phần thị trường tôm của Ấn Độ, trên 10% của Indonesia và trên 10% của Banglades và trên 15% của Ecuador, còn lại 15% cho quốc gia khác, riêng Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng trên 8% và còn xu hướng giảm từ nay cho đến 2030 do sản phẩm tôm của Việt Nam hiện còn có giá khá cao so với tôm của các nước. Ngành tôm Việt Nam khó có thể tăng trưởng nhanh trong thời gian tới nếu giá xuất khẩu không giảm ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới (khó đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào các năm 2025 nếu như giá tôm xuất khẩu không được cải thiện).
Theo FAO, tiêu thụ tôm toàn cầu dự kiến tăng hơn 11% vào năm 2030. Các nước sản xuất tôm lớn bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Argentina, Brazil và Mexico. Hiện nay, tiêu thụ tôm toàn cầu đã được phân tách thành nhiều kích cỡ khác nhau, trong đó, kích cỡ 41-50 con/kg là loại hàng đầu, chiếm phần lớn thị trường tôm toàn cầu và được phân phối chủ yếu qua các kênh bán hàng khác như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn và nhà hàng, bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, phần lớn tôm được phân phối thông qua các khách sạn và nhà hàng.
Đối với cá tra, nếu như năm 2010 cá tra của Việt Nam chiếm trên 95% thị phần thị trường sản xuất nguyên liệu và thị trường xuất khẩu cá tra toàn cầu, thì đến nay, cá tra Việt Nam chỉ còn chiếm 53% sản lượng nguyên liệu cá tra toàn cầu và trên 70% thị phần thị trường cá tra toàn cầu.
Dự báo đến năm 2030, cá tra của Việt Nam chỉ còn chiếm trên 50% thị phần nguyên liệu và thị trường cá tra xuất khẩu toàn cầu do có sự xuất hiện mới các đối thủ cạnh tranh tiềm năng như Ấn Độ, Banglades, Indonesia, hiện nay 3 quốc gia này lần lượt chiếm 27,2%, 18,1%, 3,1% tổng sản lượng nguyên liệu cá tra toàn cầu đến năm 2019. Trong 3 năm qua (2018-2020), Indonesia đã xuất khẩu thành công 300 tấn cá tra phi lê đông lạnh sang thị trường Trung Đông và đang dự kiến xuất khẩu sang các thị trường khác. Ấn Độ và Trung Quốc đang có chiến lược xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường mà cá tra của Việt Nam đang vướng rào cản như thị trường Trung Đông và thị trường EU. Chiến lược cạnh tranh xuất khẩu cá tra của Ấn Độ, Banglades, Indonesia… sẽ không cạnh tranh trực tiếp với cá tra của Việt Nam ở các thị trường mà ngành cá tra của Việt Nam đang chiếm vị thế độc tôn nhờ giá thành xuất khẩu quá rẻ (hiện chỉ 1 USD/kg), đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mà ngành cá tra của Việt Nam đang vướng rào cản kỹ thuật và đang mất dần thị phần thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Đông và EU, và nếu thành công ở hai thị trường này, sức lan tỏa sang các thị trường khác có thể làm giảm đáng kể thị phần cá tra của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Thu Hiền
(Tổng cục Thủy sản)