Nếu không chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, thì kinh tế thủy sản của nước ta vẫn thiếu chuyên nghiệp.
Mùa tuyển sinh đại học – cao đẳng 2011-2012, ngoài một số trường đại học công lập, đại học vùng có tên tuổi, hầu hết các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoặc ở địa phương đều không tuyển đủ sinh viên. Điều đáng nói là tình trạng này lại xảy ra ngay cả đối với những ngành học như thủy sản, nông lâm - trong khi nước ta là một quốc gia có hơn 70% dân số sống ở nông thôn, là quốc gia có nhiều tiềm năng về thủy sản. Điều đó cho thấy có sự bất ổn trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước.
Năm học 2011 – 2012, khoa Khai thác thủy sản của trường Đại học Nha Trang được giao chỉ tiêu 180 sinh viên gồm các ngành: khai thác thuỷ sản, an toàn hàng hải, điều khiển tàu biển. Thế nhưng, số thí sinh đỗ nguyện vọng 1, tức trên điểm sàn, vào hệ đại học chỉ vỏn vẹn 4 người. Nếu tính cả hệ cao đẳng, lấy từ 10 điểm trở lên, toàn khoa cũng chưa tới 30 thí sinh trúng tuyển.
Khoa Khai thác thuỷ sản là một trong 7 khoa đặc thù của Đại học Thủy sản Nha Trang, tiền thân của Đại học Nha Trang bây giờ, nơi có bề dày hơn 50 năm giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển như: kỹ thuật chế tạo ngư cụ, khai thác thuỷ sản, kỹ thuật hàng hải và pháp luật hàng hải, quản lý nghề cá, hải dương học nghề cá…
Thế nhưng, những năm gần đây, quy mô đào tạo của khoa thu hẹp dần, hiện chỉ còn hai ngành chính là Khai thác thuỷ sản và Khoa học hàng hải (ghép từ hai ngành An toàn hàng hải và Điều khiển tàu biển). Ngành Cơ khí thuỷ sản trước kia được chuyển thành Kỹ thuật tàu thuỷ vẫn không có nguồn tuyển và nhiều năm liền không có sinh viên.
Nếu như năm 2007, khoa có 2 lớp với 94 sinh viên, thì liên tục 2 năm 2008 – 2009 mỗi năm chỉ mở một lớp với 14 sinh viên. Riêng năm 2010, không mở được lớp nào, do số sinh viên quá ít. Cùng chung cảnh ngộ, nếu như 10 năm trước, khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Cao đẳng Thuỷ sản thuộc Bộ NN-PTNT tại Bắc Ninh mỗi năm tuyển được hàng trăm sinh viên, thì gần đây trầy trật lắm cũng chỉ tuyển được vài chục thí sinh.
Chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 50% GDP của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển mạnh mẽ các ngành khai thác, nuôi trồng hải sản, khai khoáng, vận tải hàng hải, du lịch biển đảo... đã được vạch ra. Trong đó, nhu cầu đào tạo được xem là khâu then chốt.
Thế nhưng thống kê số thí sinh dự thi đại học những năm qua cho thấy, nếu như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng là 3 ngành có thí sinh lựa chọn nhiều nhất trong tổng số gần 240 ngành học với tỷ lệ lần lượt là 9,81%, 8,17%, 7,62% thì tỷ lệ thí sinh chọn các ngành kinh tế biển chưa đến 1%, với điểm trung bình thí sinh dự thi không cao.
Trong các ngành kinh tế biển thì các ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Kinh tế có điểm trung bình dự thi cao hơn các ngành còn lại. Như vậy, xu hướng chuộng các ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghệ cũng xảy ra đối với chính các ngành Kinh tế biển.
Giải thích cho tình trạng này, nhiều người cho rằng sinh viên được đào tạo ra khó có điều kiện tiếp cận một nền kinh tế biển tiên tiến. Nghề khai thác hải sản lâu nay chủ yếu theo kiểu cầm tay chỉ việc, mấy ai học hành cho bài bản. Tuy nhiên, nhân lực cho kinh tế biển, đặc biệt là ngành Khai thác hải sản đâu chỉ là ngư dân với những chiếc tàu đánh cá, mà còn là những người làm kỹ thuật, quản lý đánh bắt hay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, kiểm ngư, cảng vụ…
Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản không có một kỹ sư khai thác, làm sao đáp ứng được yêu cầu của đầu ra sản phẩm là phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu? Đó là chưa kể lực lượng kiểm ngư Việt Nam mới thành lập cũng cần hàng ngàn kỹ sư khai thác thuỷ sản…
Với trên 3.000km bờ biển, hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, lại nằm trên giao lộ thông thương quốc tế, tiềm năng kinh tế biển của nước ta vô cùng to lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác hiệu quả. Chương trình kinh tế biển xác định đến năm 2020, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, kinh tế biển đóng góp 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu.
Vì vậy, nếu chỉ quan niệm “nghề cá nhân dân” là nghề của những lao động chỉ biết lấy kinh nghiệm là chính, mà không chú trọng đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, thì kinh tế thủy sản của nước ta vẫn thiếu chuyên nghiệp./.
Theo VOV.