Khi nền nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập thì bản thân người nông dân cũng cần hội nhập. Với ông Phạm Quang Tuyến - Nông dân xã Tân Khánh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp - người nông dân sẽ không thể làm giàu nếu mãi mang nặng tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì thế, ông đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mạnh mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm.

Thu hoạch cá thát lát.

Năm 2009, ông Phạm Quang Tuyến bắt tay vào sản xuất trên vùng đất thuộc Cồn Ông, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò chỉ với 300 con cá thát lát cườm. Khác với mọi người là cho cá thát lát ăn thức ăn tươi sống từ cá tạp, ông Tuyến lại sử dụng thức ăn công nghiệp - điều mà chưa người nông dân nào từng nuôi cá thát lát nghĩ đến.

Và việc làm mới mẻ này đã mang lại thành công cho ông Tuyến từ vụ nuôi đầu tiên. Ông cho biết, sử dụng thức ăn công nghiệp thì tỉ lệ thành công đạt hơn 87%, trong khi sử dụng thức ăn tươi sống từ cá tạp thì tỉ lệ hao hụt sẽ nhiều, giá thành cao, trong khi môi trường nước lại ô nhiễm.

Ông Phạm Quang Tuyến cho biết: “Nuôi cá bằng thức ăn tươi sống thì tỉ lệ thành công rất thấp. Tôi khẳng định, ở ĐBSCL 10 người nuôi cá bằng thức ăn tươi sống thì 9 người thua lỗ, chỉ có 1 người thành công. Thế nhưng người ta vẫn say sưa nuôi vì con cá này có giá trị lợi nhuận cao”.

Với kĩ thuật của ông Phạm Quang Tuyến, giá thành đầu tư cho 1 kg cá thát lát thương phẩm chỉ vào khoảng 37.000 đồng (tương đương tỉ lệ 1 chấm 37 thức ăn), trong khi giá bán hiện tại ở mức 72.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi sẽ có mức lợi nhuận khá lí tưởng sau khi trừ chi phí đầu tư.

Sau khi thành công từ việc lựa chọn nguồn thức ăn, vua cá thát lát Đồng Tháp Phạm Quang Tuyến bắt đầu tính đến chuyện sản xuất với qui mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, ông đang có 4.000 mét vuông mặt nước và 9 lồng bè cặp sông chuyên canh con cá thát lát.

Nếu như nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp và nuôi với qui mô lớn là hai điểm nội bật ở ông Tuyến thì nuôi cá thát lát trên lồng bè là điểm mới nổi bật thứ 3. Theo ông Tuyến, với môi trường nước tự nhiên, con cá thát lát sẽ phát triển nhanh hơn so với nuôi trong ao hầm.

Giờ đây, ông đã có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển loài thủy sản này: “Khi tôi nuôi khảo nghiệm nhiều, mới thấy rằng quyết định thành công chính là con giống, sau là thức ăn, môi trường và kĩ thuật nuôi”.

Hiện tại, ông Phạm Quang Tuyến đang sở hữu đàn thát lát cá bố mẹ hơn 9.000 con, đây là điều kiện thuận lợi để ông phát triển diện tích thả nuôi cũng như xây dựng trại sản xuất giống với qui mô 5 triệu con giống mỗi năm.

Những thành công bước đầu của vua cá thát lát Đồng Tháp cho thấy, người nông dân cần hội nhập bằng cách nắm bắt nhu cầu thị trường và mở rộng qui mô sản xuất một cách hợp lí.

Tấn Hưng

Nguồn tin:

Truyền Hình VN, 19/08/2011