Quyết định sơ bộ áp mức thuế 130% với mặt hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ đang đè nặng lên các nhà xuất khẩu cá tra những ngày cuối năm, khi mà nguyên liệu đang căng thẳng. Chỉ còn hai tháng nữa, Bộ thương mại Mỹ (DOC) sẽ có kết luận cuối cùng.
Nếu DOC thông qua vào tháng 3 này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá mới là 4,22 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay, kéo theo đó là nông dân treo ao, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp… Theo ông Nguyễn Văn Phấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến thủy sản Hiệp Thanh (Cần Thơ), mức thuế từ 0 đến 5% đã gây khó cho doanh nghiệp. Nếu chịu mức thuế 130% thì không doanh nghiệp nào có thể bán được tại thị trường này.
Thông tin từ một số nhà xuất khẩu cá tra vào Mỹ, hiện nay với mức thuế là 0%, thì giá cá tra của Việt Nam cũng chỉ rẻ hơn sản phẩm tương tự của các nhà xuất khẩu khác tại thị trường này khoảng 10 - 15%. Và mặc dù thuế chống bán phá giá do nhà nhập khẩu chịu, nhưng sẽ đẩy giá tăng cao, bản thân người tiêu dùng nước này phải tốn thêm chi phí trong bối cảnh họ đang phải tìm cách thắt lưng buộc bụng chi tiêu.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến thời điểm này, kết luận sơ bộ về mức thế chống bán phá giá mới chưa tác động đến sản lượng cá tra xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, nếu phía DOC thông qua, sẽ gây ra một tiền lệ xấu cho các thị trường khác. Mỹ vẫn là thị trường chiếm hơn 10% tổng lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Nếu bị áp thuế cao, có thể xuất hiện làn sóng các nhà xuất khẩu chuyển hướng, ồ ạt đưa hàng sang các thị trường khác (EU, Nhật…). Lúc đó nguy cơ các nước tiếp tục đưa ra mức thuế chống bán phá giá với con cá tra, theo kiểu phản ứng dây chuyền, là điều có thể xảy ra.
Hiện Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành, VASEP vẫn đang tiếp tục làm việc với DOC để giải quyết vấn đề này. Những thông tin, tư liệu… cần thiết cho quá trình xem xét này đã được VASEP cung cấp cho phía Bộ thương mại Mỹ (DOC), đồng thời thuyết phục DOC lấy Bangladesh làm quốc gia thay thế, trong việc tính giá thành sản phẩm cá tra, chứ không phải là Philippine như trong kết luận sơ bộ của DOC. Nhưng dù kết quả thế nào, các nhà chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng không thể chấp nhận mức thuế áp đặt một cách vô lý này…
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng từ gần 1,4 tỷ USD trong năm 2001 dự kiến trên 16 tỷ USD trong năm 2010. Hàng năm Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm: thịt bò, đậu nành, các chế phẩm, trang thiết bị và các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu áp mức thuế 130%, là cách cạnh tranh không lành mạnh, một chính sách bảo hộ của thương mại Mỹ.
Theo Hiệp hội Thuỷ sản Mỹ, giữa năm 2010, khi cá tra được vào danh sách 10 mặt hàng thuỷ sản ưa chuộng nhất nước Mỹ, lập tức, Hiệp hội cá da trơn Mỹ (CFA) đẩy mạnh bôi xấu cá tra Việt Nam, cũng như vận động hành lang đến Bộ Thương Mại và Chính phủ Mỹ. Vài tháng sau. Bộ Thương mại Mỹ công bố quyết định sơ bộ tăng thuế CBPG từ 0% đến 130% với cá tra Việt Nam.
Đăng Thư