Có thể nói, vỏ ốc biển hết sức đa dạng về hình dáng; từ hình chiếc nón lá như ốc đụn, hình chóp nhọn như ốc tháp, hình nhũ hoa, cho đến hình bàn tay như ốc năm ngón; từ dạng nhỏ như hạt đậu xanh (ốc ruốc) đến dạng lớn như cái mâm to (ốc tai bồ). Chẳng những thế chúng còn phong phú về màu sắc: vàng, nâu, đen, hoa, sọc, lốm đốm da beo đều có cả. Có loại nguyên cả một cái vỏ óng ánh sắc xà cừ (ốc xà cừ).
Chính vì phong phú đa dạng và rất đẹp như vậy mà vỏ ốc trở thành một mặt hàng được tiêu thụ rất mạnh. Hay nói rõ hơn là được thu mua để làm các sản phẩm mỹ nghệ như mặt dây, tấm rèm, đồ trang trí, đồ trang sức, phụ liệu kết lên các sản phẩm thời trang cao cấp, túi xách, guốc, dép. Và ngoài ra, không ít người sưu tầm vô số vỏ ốc đẹp trưng bày trong nhiều tủ pha lê, mà không cần phải gia công cắt xén gì thêm ngoài việc chà rửa, đánh bóng. Hiện nay thị trường tiêu thụ vỏ ốc mạnh nhất là Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Nội… Nha Trang tiêu thụ vỏ ốc cao nhất nhưng giá mua không cao bằng Hà Nội hay Vũng Tàu. Đó là chưa nói đến thị trường nước ngoài mua với giá cao hơn gấp bội.
Nguồn vỏ ốc do ai cung cấp? Dĩ nhiên từ những người đi biển, tuy vậy không phải ai đi biển cũng lấy được mà chỉ do những người thợ lặn và những người thả lưới màng đánh sát đáy biển. Vì ốc sống thích hợp nơi đáy biển nên các loại lưới nổi không sao đánh bắt được. Biển Việt Nam có nhiều ốc nên số lượng vỏ ốc đáp ứng đều đều cho nhu cầu của thị trường. Mỗi khu vực biển có mỗi loại ốc khác nhau. Ví như ở các rạn san hô ngoài khơi thuộc các vùng hải đảo như: Phú Quý, Trường Sa, Hoàng Sa thì có nhiều ốc tai bồ; ở rạn san hô gần bờ thì có các loại ốc nhảy, ốc ngòi viết…, và ở các khu vực đáy nông cát mịn có nhiều ốc ruốc…
Vỏ ốc nguyên liệu được mua bán theo con và theo kilôgam. Theo con, có nghĩa là giá tiền tính theo từng con. Cách mua này dành cho những loại vỏ ốc đẹp. Ví như một vỏ ốc xà cừ được mua với giá 200.000đ - 500.000đ, hay một vỏ ốc nón mua với giá 50.000đ. Còn mua theo kilôgam là dành cho các loại vỏ ốc rẻ tiền hơn nhiều.
Nhiều năm trước đây khi chưa hiểu giá trị của vỏ ốc, ngư dân thường bỏ vỏ sau khi đã ăn thịt ốc. Những người đi mua tầm vỏ ốc trong thời điểm này thực sự được giàu to, bởi vì học được cho không, lượm không. Nếu có mua thì vốn không bỏ ra bao nhiêu, đưa ra một ít tiền lẻ gọi là “cho các cháu ăn kẹo”. Những năm sau này mọi người đều biết và người ta sẵn sàng hy sinh thịt ốc (ngoại trừ thịt những con ốc giác người ta nghi là có ngọc) để lấy vỏ ốc bán. Dù vậy người thu mua vẫn có lời nhiều.
Người ta thu mua ốc về, cho tất cả vào hồ ngâm vài ngày rồi khư bỏ thịt thối rữa. Sau đó chà rửa sạch sẽ rồi phơi khô. Tuyệt đối không được luộc, vì luộc sẽ làm cho vỏ ốc bị phai màu, chết màu. Nếu là ốc xà cừ thì chất xà cừ sẽ bị hư, không còn lấp lánh. Theo lời anh Trần Khôi, một người thu mua vỏ ốc hơn mười năm nay cho biết, nếu đem luộc thì vỏ ốc bị giảm giá tiền khi bán cho các cơ sở chế tác ốc. Ví như ốc xà cừ giá vài trăm nghìn, nếu không biết là luộc lấy thịt ăn thì cái vỏ chỉ còn mua với giá vài nghìn mà thôi. Nếu người thu mua vỏ ốc có lợi nhuận một, thì các cơ sở chế tác vỏ ốc có lợi nhuận cao gấp nhiều lần sau khi đã biến nó thành các sản phẩm mỹ nghệ hoàn chỉnh.
Huỳnh Chơn Sơn, Báo Ninh Thuận, (Theo vietlinh)