Giá tôm chân trắng của Trung Quốc giảm mạnh sau khi Mỹ áp dụng hạn chế nhập khẩu, trong khi giá tôm Thái Lan tăng đáng kể; khách hàng Nhật Bản đứng ngoài vì thị trường trong nước cũng đang bị sụt giá.

Vì sản lượng tôm chân trắng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, đang vào thời kỳ cao điểm, nên lượng giao dịch và giá của mặt hàng này trên thị trường thế giới bị tác động sau khi Mỹ thực thi việc kiểm soát nhập khẩu tôm nuôi Trung Quốc

Tại Trung Quốc, giá tôm chân trắng đã giảm 16% trong nửa tháng qua và giảm hơn 40% so với tháng trước vì xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh. Dự báo giá sẽ còn giảm nữa.

Ngược lại, giá tôm ở những thị trường khác, trong đó có các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Việt Nam...) lại tăng mạnh, dẫn đến sự thay đổi cơ bản về cơ cấu thị trường tôm thế giới.

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản không phản ứng nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới vì lượng tiêu thụ và phân phối tôm giá rẻ ở trong nước đang sụt giảm.

Giá tôm chân trắng của Trung Quốc giảm từ khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quyết định kiểm soát nhập khẩu sản phẩm của Trung Quốc do phát hiện có dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi của nước này.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), sản lượng tôm chân trắng của Trung Quốc năm 2005 đạt 810.000 tấn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng tôm của cả nước. Mỹ là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm chân trắng của Trung Quốc. Và đối với Mỹ, Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ 2 sau Thái Lan. Nhập khẩu tôm Trung Quốc vào Mỹ, chủ yếu là tôm chân trắng, đạt khoảng 70.000 tấn vào năm 2006.

Mặc dù Mỹ đã thông báo tôm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn của FDA có thể được thông quan, những thực tế nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị giảm đáng kể từ khi áp dụng kiểm soát nhập khẩu.

Nguồn cung tôm bị mất thị trường nước ngoài lại đổ vào thị trường nội địa khiến giá giảm mạnh vì sản lượng trong nước tăng và xuất khẩu giảm.

Giá tôm vỏ cỡ 50s (hàng chuẩn) giảm gần 20% trong nửa tháng từ khi có thông báo kiểm soát nhập khẩu của Trung Quốc.

Trong khi đó sản lượng tôm ở Thái Lan tăng khoảng 20% so với năm trước và Mỹ đang chuyển sang mua nhiều tôm của Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, nhất là tôm Thái Lan sẽ có triển vọng tốt nhờ cơ hội này. Mỹ đang tăng cường mua tôm chân trắng của Thái Lan được nuôi trong điều kiện không có kháng sinh, khiến giá tăng mạnh.

Thái Lan là nước xuất khẩu tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ trong những năm gần đây, với 194.000 tấn trong năm 2006, nhiều hơn gấp gần 3 lần so với xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, dự đoán nhập khẩu tôm Thái Lan vào Mỹ năm 2007 sẽ tăng tới khoảng 220.000-230.000 tấn.

Giá tôm Thái Lan cỡ 53/55 đã giảm từ 102-103 bạt (mức thấp nhất vào tháng 6/2005) xuống còn 80 bạt, nay lại phục hồi lên hơn 100 bạt sau sự kiện kiểm soát nhập khẩu của Mỹ.

Giá tôm ở các nước khác cũng có chiều hướng tăng và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, thị trường Nhật vẫn trầm lắng vì giá giảm và lượng dự trữ tăng. Một số thương gia đang thanh lý hàng tồn với giá thấp. Áp lực giảm giá còn mạnh hơn xu hướng tăng từ nước ngoài.

Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà phân tích tin rằng các yếu tố của thị trường thế giới sẽ dẩy giá tại Nhật tăng lên, nhưng hiện tại, thị trường Nhật có thể vẫn trầm lắng trong một thời gian và không biến động theo xu hướng nóng của thị trường thế giới.

Theo www.vasep.com.vn