Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 39.747 km2, chiếm trên 12% diện tích của cả nước, là một vùng đất ngập nước điển hình với trên 90% diện tích ngập nước theo mùa mưa lũ và sự chi phối ngập mặn do thủy triều ở các vùng ven biển. Với lợi thế tiềm năng đất ngập nước, những năm gần đây nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL phát triển rất nhanh chóng...

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có dân số khoảng 17,3 triệu người, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 8,5%, đã tạo ra nguồn sản phẩm từ tài nguyên đất ngập nước rất lớn với trên 19 triệu tấn lúa, 1,4 triệu tấn trái cây các loại và trên 1,8 triệu tấn thủy hải sản cho tiêu dùng và xuất khẩu. Song, vấn đề khai thác lợi thế để phát triển thế mạnh nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đang đối mặt với sự tổn thất do ô nhiễm môi trường...

Năm 2000, diện tích nuôi trồng thủy sản đã đạt 445.300 ha với tổng sản lượng 365.141 tấn. Năm 2002, diện tích nuôi thủy sản tăng lên 570.300 ha với sản lượng 518.743 tấn. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản đã trên 685.800ha, đạt sản lượng khoảng 983.384 tấn, chiếm trên 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.

Các mô hình nuôi trồng thủy sản đã chuyển hóa rất nhanh cùng với quá trình phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản. Phương thức nuôi trồng đã chuyển từ nuôi tự nhiên, nuôi quảng canh, nuôi phân tán mật độ thấp...sang nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp tập trung mật độ cao, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các phương thức nuôi trồng mới với mật độ cao, năng suất lớn, sử dụng nhiều năng lượng và chi phí... đã tạo ra sự mất cân bằng của hệ thống tự nhiên, tạo ra sự tổn thất sinh thái, ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại càng nhiều. Do đó, vấn đề mất cân bằng sinh thái càng trở nên trầm trọng mà biểu hiện là sự tổn thất do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và sự cố môi trường làm tôm, cá chết, dịch bệnh hoành hành trong khu vực nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.

Các nguồn chất thải nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL hàng năm thải ra 456,6 triệu m3 bùn thải và chất thải nuôi trồng thủy sản. Hậu quả là thủy sản bị dịch bệnh, ô nhiễm môi trường chết hàng loạt đã diễn ra nhiều năm. Nhiều hộ nông dân, trang trại nuôi trồng thủy sản, một số doanh nghiệp quy mô lớn... đã phải lâm vào cảnh điêu đứng do nợ nần. Một số nơi diện tích nuôi thủy sản phải bỏ hoang do bị ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh vẫn chưa khắc phục được.

Vì vậy, tiếp cận sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL là một vấn đề hết sức quan trọng để phát triển bền vững hệ canh tác nuôi trồng thủy sản. Trong đó, vấn đề cơ bản là tạo ra hệ thống cân bằng giữa chất lượng nước đầu vào, quản lý nguồn nước nuôi trồng và chất lượng nước đầu ra của cả hệ thống.

Trong phát triển nuôi trồng thủy sản vấn đề cơ bản là tạo ra các quy hoạch hợp lý sử dụng mặt đất, mặt nước cho phát triển các mô hình nuôi. Nuôi trồng thủy sản tự nhiên, mật độ thấp, mô hình hợp sinh thái... tạo ra một hệ thống có khả năng tự làm sạch cao, nên luôn giữ được cân bằng sinh thái. Từ đó, nhu cầu xử lý chất thải thường ít gây áp lực do ô nhiễm môi trường và đây là các mô hình có khả năng phát triển bền vững.

Để đảm bảo cho phát triển trong sự cân bằng của hệ thống nuôi trồng thủy sản, cần tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản sau đây:

Trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản cần tập trung quy hoạch các vùng tiềm năng nuôi trồng thủy sản hợp sinh thái ở các vùng ven biển, ven sông và cửa sông thông ra biển với mật độ nuôi thấp, đảm bảo an toàn cân bằng sinh thái gần với tự nhiên. Có như vậy vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm với chất lượng cao, vừa an toàn về môi trường để có độ bền vững cao trong canh tác, đảm bảo chi phí đầu tư ở mức vừa phải.

Trong thực tiễn, các mô hình nuôi tôm tự nhiên, mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng, luân canh lúa - tôm... ở các vùng nhiễm mặn ven biển; mô hình lúa cá, mô hình nuôi cá vượt lũ tự nhiên, mô hình nuôi cá trong rừng tự nhiên, mô hình nuôi cá ven sông... đã đóng góp quan trọng về cơ sở khoa học và thực tiễn cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tiếp cận sinh thái tự nhiên ở khu vực ĐBSCL.

Cần ứng dụng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đáp ứng vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ Thủy sản trước đây, nay là Bộ NN&PTNT và theo tiêu chuẩn SQF 1000CM đối với vùng nuôi thủy sản chất lượng - an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức cần thiết và triển khai rộng rãi trong toàn khu vực.

Thực tế ở Cần Thơ đã triển khai mô hình này và kết quả cho thấy khi nuôi cá theo tiêu chuẩn SQF 1000CM tiết kiệm được 40% chi phí so với trước đây, nhờ hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Đồng thời, khi nuôi với mật độ thấp cá rất mau lớn có kích thước đồng đều, ít bệnh tật phát sinh, chất lượng thịt cá đạt cao hơn với lối nuôi truyền thống.

Đối với vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, cần tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng sinh thái từ nguồn chất thải phát sinh có thể gây nên sự cố môi trường có tác động rộng lớn đến khu vực. Quy hoạch các vùng này cần bố trí tránh xa các vùng nhạy cảm như: bãi triều ven biển, các hệ sinh thái rừng ngập mặn đang hình thành theo diễn thế nguyên sinh bồi tụ ven biển và cửa sông, các vùng nhạy cảm trong sử dụng nước cho sinh hoạt và đời sống...

Muốn giải quyết vấn đề này, trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, các chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản... phải bố trí quy hoạch khu vực xử lý nước cấp đáp ứng tiêu chuẩn để đưa vào canh tác.

Sử dụng nước trong hệ thống sản xuất canh tác phải giám sát chặt chẽ chất lượng nước, đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các sự cố môi trường có thể xảy ra. Điều đặc biệt quan trọng, là đầu tư bố trí quy hoạch khu vực xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quy định.

Có như vậy mới góp phần đảm bảo sự cân bằng của tự nhiên trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Phạm Đình Đôn (Nguồn vasep)