Rừng ngập mặn (RNM) là hệ sinh thái nhiệt đới đặc trưng, hình thành trong vùng triều cửa sông - nơi giao thoa giữa biển và lục địa. RNM có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng ven biển bởi các chức năng sinh thái và giá trị kinh tế của chúng. Ở Việt Nam, RNM chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, RNM ở Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng, năm 1943 có 408.500 ha, đến năm 2006 đã bị suy giảm chỉ còn 209.741 ha.
Trong những năm gần đây, chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng nói chung và RNM nói riêng đã được một số nước tiếp cận. Bởi lẽ các dịch vụ hệ sinh thái RNM được coi như phương tiện kết nối môi trường trên cạn và môi trường biển, tạo ra sự thích nghi về cơ chế tài chính giữa địa phương và quốc tế. Từ những kết quả bước đầu của chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) được thực hiện tại Lâm Đồng và Sơn La (theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ), kết quả giai đoạn 1 của Dự án hợp tác kỹ thuật Đức - Việt “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng” cũng như kinh nghiệm của các thoả thuận thí điểm về bảo tồn biển để thực thi chi trả các dịch vụ hệ sinh thái (PES) tại Inđônêsia cho thấy, Việt Nam  cần tổ chức thí điểm chương trình chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM. Để tổ chức thí điểm chương trình chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM, đòi hỏi phải giải quyết tốt các bước sau:
Xác định vùng thí điểm và triển vọng chi trả hệ sinh thái RNM
Đây là bước khởi đầu của chương trình thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM. Vì vậy phải xác định vị trí sẽ chi trả hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đâu, diện tích là bao nhiêu, thời gian thí điểm chương trình kéo dài trong bao lâu. Tiếp đó, xác định đối tượng cung cấp cấp dịch vụ (người bán) và triển vọng đối tượng chi trả dịch vụ (người mua). Theo đó, đối tượng được nhận tiền chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM là chủ rừng của các khu rừng có cung ứng dịch vụ hệ sinh thái RNM; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ RNM ổn định lâu dài với các chủ RNM là tổ chức nhà nước. Đồng thời, chương trình thí điểm cũng phải xác định giá trị hệ sinh thái RNM. Đó là xác định giá trị giảm thiểu và thu lợi từ tín chỉ cácbon đối với RNM; giá trị bảo tồn vùng đất ngập nước; giá trị bảo tồn các loài, sinh cảnh các loài và bảo tồn đa dạng sinh học; giá trị bảo vệ xói lở bờ biển...
Xác định nguồn chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM
Sau khi xác định vùng thí điểm và triển vọng chi trả hệ sinh thái RNM, chương trình thí điểm phải xác định các nguồn chính để chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái RNM với những loại hình dịch vụ nhất định.
Đối với các giá trị cảnh quan của RNM thì các công ty du lịch sinh thái có sử dụng dịch vụ phải có trách nhiệm chi trả. Họ thực hiện chi trả để được quyền vào RNM, quan sát đời sống động thực vật trong RNM; săn bắn hoặc câu cá ở những khu vực RNM được cho phép.
Đối với các giá trị đa dạng sinh học của RNM thì tổ chức nghiên cứu khoa học sử dụng dịch vụ có trách nhiệm chi trả. Họ thực hiện chi trả để được quyền thu thập, thí nghiệm và sử dụng nguồn gen của các loài trong RNM; thu thập mẫu và tiến hành đo đếm trong những khu vực RNM được cho phép.
Đối với giá trị bảo vệ đê điều, chống xói lở bờ biển của RNM thì ngân sách nhà nước chi trả trích từ nguồn tài chính dành cho tu bổ đê kè, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020, Đề án phục hồi và phát triển RNM ven biển giai đoạn 2008 - 2015 và từ các chương trình, dự án liên quan.
Đối với giá trị bảo tồn RNM, giảm thiểu và thu lợi từ tín chỉ cácbon của RNM thì cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ.
Ngoài ra, nguồn chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái RNM cần huy động sự đóng góp của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực thí, tài trợ của các nước khác, các tổ chức quốc tế, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Xác định các bên trung gian trong chương trình thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM là vấn đề rất mới và phức tạp. Do đó,  nhận thức của người mua, người bán, những nhà hoạch định chính sách và công chúng rất khác nhau nên các bên trung gian giữ vai trò đặc biệt quan trọng và hữu ích trong việc giúp các bên hiểu và đồng thuận về chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM.
Các bên trung gian không tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM mà chỉ có vai trò hỗ trợ. Vai trò của các bên trung gian trong tiến trình chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM là cung câp thông tin và dịch vụ, đào tạo, xây dựng cầu nối, điều đình và hòa giải, trọng tài, tạo sức mạnh giúp người bán ít quyền có thể đàm phán hiệu quả hơn với các bên, xây dựng các tiêu chuẩn, đại diện, giám sát và nhân chứng. Ở nước ta, các bên trung gian có thể là các nhóm sau: Các tổ chức phi chính phủ; Nhà nước: Các tổ chức ở địa phương.
Xác định phương thức và thời hạn chi trả
Lựa chọn phương thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM phù hợp với hoàn cảnh địa phương nơi thí điểm sẽ đảm bảo duy trì giao dịch lâu dài giữa người bán và người mua. Do đó, cần xác định phương thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái giữa người bán (chủ rừng) và người mua (các công ty du lịch sinh thái, các tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý đê điều...) thông qua hình thức trực tiếp hay gián tiếp. Chẳng hạn như người mua thông qua cơ quan quản lý lâm nghiệp hay tổ chức trung gian để thanh toán bằng tiền cho người bán (chi trả cho từng ha rừng được trồng hoặc được bảo vệ) hoặc chi trả cho cộng đồng cải thiện dịch vụ RNM như xây dựng trường học, trạm y tế hoặc chi trả bằng thủy sản và động vật khác trong rừng.
Xác định quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua dịch vụ hệ sinh thái RNM
Bên mua: xác định bên mua được quyền sử dụng dịch vụ gì và có nghĩa vụ phải chi trả như thế nào. Bên bán: xác định bên bán được quyền nhận tiền hay hiện vật và có nghĩa vụ bảo vệ hoặc trồng rừng ngập mặn ra sao. Bên trung gian: xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan về các vấn đề hỗ trợ chi trả, đào tạo, đàm phán, trọng tài, tổng kết đúc rút bài học của chương trình thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM…
Chi trả các dịch vụ hệ sinh thái RNM là một vấn đề rất mới và phức tạp, chính vì vậy cần thiết phải có những thí điểm nhằm đánh giá hiệu quả để nhân rộng mô hình trong hoạt động bảo vệ hệ sinh thái RNM ở Việt Nam. Từ đó, tạo cơ sở để xây dựng thể chế, chính sách chi trả các dịch vụ hệ sinh thái RNM cũng như các hệ sinh thái biển nhằm tạo ra công cụ đủ mạnh để bảo vệ RNM và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển./.
 

Tạp chí Môi trường  số 8/2012