Sản xuất nguyên liệu sạch từ lâu được ngành NNPTNT đề cập: Rau sạch, tôm sạch, cá sạch..., nhưng dường như người nông dân làm ra sản phẩm sạch chưa được người tiêu dùng chấp nhận.
Lần đầu tiên tại ĐBSCL một doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu đứng ra thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu với cam kết ở ngay thương hiệu của mình: Cty Thủy sản Sạch Việt Nam...
Nguyên liệu sạch
Một trong những người nuôi tôm sạch, tôm vi sinh thành công nhất ĐBSCL là ông Võ Hồng Ngoãn ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu). Với hơn 20 ha nuôi tôm, hàng năm ông Ngoãn thu về trên 2 tỉ đồng lợi nhuận. Nghề nuôi tôm vốn nhiều rủi ro, nhưng đối với ông Ngoãn, từ ngày nuôi tôm đến nay - hơn 10 năm - chưa lần nào thất bại. Bí quyết đưa đến thành công được ông “truyền giảng” khắp nơi, đó là nuôi vi sinh mật độ thưa, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất và thức ăn... Chính vì vậy tại Bạc Liêu, diện tích nuôi theo mô hình tôm sạch lên đến 3.000 ha (không kể tôm quảng canh).
Tuy nhiên, chính ông cũng phải thừa nhận: “Sản xuất theo mô hình sạch đã được nhiều người hưởng ứng vì rủi ro thấp, song những người thu mua không phân biệt đâu là tôm sạch, đâu là tôm không sạch nên mức giá thu mua không chênh lệch đáng kể. Đây là một thiệt hại cho người nuôi tôm sạch, không khuyến khích được người nuôi theo quy trình tôm sạch”. Đồng quan điểm này, ông Phan Minh Quang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho rằng, hiện nay cơ chế thu mua và chế biến thủy sản chưa quy định cụ thể mức giá. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà máy định đoạt giá thu mua đối với người nuôi. Tỉnh đang chủ trương phát triển nguồn tôm sạch tiến tới xây dựng thương hiệu tôm sạch, nhưng người dân chưa mặn mà.
Tại Sóc Trăng, mấy năm qua Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh cũng áp dụng mô hình nuôi tôm sạch, cung ứng ra thị trường các loại tôm đảm bảo chất lượng, hoàn toàn không có vi lượng kháng sinh. Tuy nhiên, hiệp hội này cũng đề nghị cần có chính sách cụ thể về giá đối với người làm ra sản phẩm sạch. DN Trúc Anh ở xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu) hơn 4 năm nay thay đổi quy trình nuôi tôm từ kiểu truyền thống sang nuôi vi sinh. Ông Lê Anh Xuân Giám đốc DN - cho biết: “Cái lợi đem lại cho người nuôi tôm sạch là ít rủi ro, chi phí thấp, còn giá gần như bằng nhau”.
Dù có tôm sạch, nhưng thiếu nhà máy chế biến sạch, con tôm ĐBSCL khó nâng cao giá trị. Ảnh: N.H
Tháo “nút thắt”
Về phía các DN chế biến thủy sản, theo VASEP tiêu chuẩn đầu tiên của hiệp hội là sản phẩm xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn đăng ký. Tuy nhiên, trước tình trạng tôm nguyên liệu khan hiếm, các nhà máy tranh nhau mua nên họ gần như không phân biệt “đầu vào” thế nào cho hợp lý. Trước mâu thuẫn giữa nhà cung ứng và nhà chế biến trong bối cảnh thu mua tôm sạch hay không sạch, giữa năm 2010, tại KCN An Nghiệp (Sóc Trăng), một nhà máy chế biến tôm sạch mang tên Cty CP thủy sản Sạch Việt Nam ra đời. Trước khi đi vào hoạt động, DN này xây dựng vùng nuôi cho riêng mình với trên 1.000 ha trải dài từ miền Trung đến ĐBSCL. Nguyên tắc thu mua của Cty này là lựa chọn tôm sạch bệnh, đúng quy chuẩn chế biến theo công nghệ sạch để xuất khẩu.
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Cty - cho biết: “Ý tưởng làm tôm sạch của chúng tôi xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa người nuôi và người chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, còn một thực trạng khác là nguồn nguyên liệu bị bơm chích tạp chất tràn lan. Chúng tôi không mua tôm sản xuất kém chất lượng và trong chế biến lựa chọn công nghệ sạch nên đã xâm nhập được thị trường khó tính nhất là Nhật Bản, châu Âu”.
Với cam kết sản phẩm sạch có chỉ dẫn địa lý cụ thể, giá cả hợp lý, sản phẩm của Cty CP thủy sản Sạch Việt Nam được người tiêu dùng chấp nhận. Chính từ điều này, Cty thu mua tôm sạch với giá cao hơn tôm bình thường từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Dù mới đi vào hoạt động hơn một năm nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu của DN này lên đến 50 triệu USD (năm 2011).
Để con tôm rộng đường bơi
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của con tôm không lớn bằng con cá tra, cá basa, nhưng hiệu quả xã hội của nó đem đến cho người dân rất cao. Ngoài DN được lợi, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, còn một vấn đề lớn hơn là đảm bảo an sinh cho hàng triệu người nuôi. Chính vì vậy, cần phải có chiếc lược quy hoạch thủy sản và không thể tách rời vùng nuôi với các nhà máy chế biến thủy sản. Bài học của Sóc Trăng trong vụ tôm năm nay (trên 26.000 ha thiệt hại) cho thấy người nuôi quá chủ quan, thiếu kiến thức và sử dụng hóa chất một cách bừa bãi. Sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo mô hình sạch đang trở thành xu hướng tiêu dùng chung của thế giới. Việc ra đời nhà máy chế biến chế biến thủy sản sạch tại Sóc Trăng cho thấy đây là một nhu cầu thực tế của con tôm đồng bằng.
Làm việc với Sóc Trăng vào ngày 8.11, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cùng với các nhà máy chế biến thủy sản cần quy hoạch vùng nuôi theo hướng các nhà máy chia sẻ lợi ích của mình bằng việc đầu tư giống, kỹ thuật cho nông dân...
Con tôm Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường, biến đổi khí hậu. Để con tôm... lội xa ra thị trường thế giới, quy trình sạch từ chăn nuôi cho đến chế biến xuất khẩu rất cần được quan tâm. Đây chính là con đường gần nhất để nâng cao giá trị xuất khẩu, và đảm bảo cho người dân có cuộc sống yên bình từ những đầm tôm của mình...
Nhật Hồ
Nguồn tin: | Lao Động, 06/12/2011 |