"Cảnh báo”: Một con bạch tuộc nhỏ bằng đầu ngón tay, đẹp lạ lùng, một con ốc với hoa văn đan chéo nhau cuốn hút... Hãy cẩn thận! Đấy là thủy quái biển khơi, nó có thể tấn công giết chết bạn bằng cách cắn vào người hoặc bắn ra những mũi tên độc !
Năm 1866 được đánh dấu bằng một sự kiện kỳ lạ, một hiện tượng không được giải thích và không thể giải thích nổi mà chắc chưa ai quên... Số là thời gian gần đây, nhiều tàu buôn đi biển thường gặp một vật hình thoi dài, đôi khi sáng lấp lánh, vượt xa cá voi về kích thước và tốc độ di chuyển...”. Jules Verne trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Hai vạn dặm dưới đáy biển đã mô tả thủy quái biển khơi kỳ dị và bí hiểm như vậy. Thủy quái to như quả núi, thủy quái rùng rợn đầy tua quanh người, thủy quái dài thậm thượt di chuyển trong nước nhanh như tên...
Bạch tuộc đốm xanh
Sát thủ bạch tuộc!.- Thực tế, không phải loài thủy quái nào cũng vậy. Ở ven biển miền Trung nước ta, thủy quái chỉ to bằng ngón tay cái, bằng nắm tay, bằng cả hạt đậu bé xíu nhưng có thể giết người trong nháy mắt!
Đêm 18-5-2003, ngư dân Nguyễn Xuân Bình, trú tại Hàm Tân, Bình Thuận làm nghề câu mực trên tàu BTH 0761 trong lúc lặn xuống biển đã bị một con vật nhỏ bằng đầu ngón tay cắn. Vết cắn vào đùi, chỉ hơi nhói đau một chút. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, anh Bình lên cơn co giật và tử vong lập tức. Tháng 10-1999, anh Nguyễn Thành Sơn, trú tại xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trong lúc đánh cá ngoài khơi cách Côn Đảo khoảng 200 hải lý cũng bị một con vật nhỏ như ngón tay cắn vào người làm anh Sơn chết tại chỗ sau 15 phút. Đây là nạn nhân thứ 3 ở Việt Nam bị loài thủy quái kia cắn chết. Cách đó mấy năm, cũng ở Bình Thuận, một ngư dân khác qua đời vì trường hợp tương tự.
Thủy quái tấn công ngư dân! Sự kiện trên gây hoang mang cho những người đi biển. Đại dương mênh mông, bất cứ lúc nào sát thủ máu lạnh kia cũng có thể ập đến tấn công người. Cá mập, loài vật hung dữ nhất biển khơi cũng không đáng sợ bằng sát thủ nhỏ xíu sống lẩn khuất trong rạn san hô, dưới mặt nước. Vậy những sát thủ tí hon kia là ai? Thực ra nó không xa lạ gì đối với ngư dân biển miền Trung. Ngư dân thường gọi loài thủy quái đó là mực đốm. Một số mẫu thủy quái tí hon kia khi đưa đến Viện Hải dương học Nha Trang được xác định là loài bạch tuộc đốm xanh. Bạch tuộc đốm xanh con lớn nhất phần thân dài không quá 50 mm có màu kem hoặc vàng cam, đặc biệt thân có những vệt hoa dạng vòng màu xanh lóng lánh rất đẹp. Trên mình bạch tuộc đốm xanh có 8 tua dài ngắn khác nhau. Khi bơi trong đại dương, sát thủ máu lạnh này trông như một thiên thần biển cả với vẻ đẹp kỳ lạ. Nhưng đừng nhầm! Đấy chính là kẻ sát nhân số 1 biển khơi khi hàm răng cực sắc của nó chứa tetrodotoxin (độc tố cá nóc) cực độc. Một con bạch tuộc đốm xanh nặng 25 g thì tuyến độc có thể gây chết cho 10 người ! Theo PGS - TS Nguyễn Hữu Phụng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, điều kỳ lạ nhất là những nạn nhân bị bạch tuộc đốm xanh cắn tỉnh táo hoàn toàn đến khi chết. Chất độc nằm trong tuyến nước bọt khi cắn vào nạn nhân gây ra trụy tim, trụy hô hấp và chết tại chỗ. Tháng 4-2003, tạp chí khoa học Nature Úc đã công bố nghiên cứu của hai nhà khoa học Mary Cheng và Roy Caldwell thuộc Đại học Tổng hợp California ở Berkeley, cho thấy thủy quái bạch tuộc đốm xanh chính là những kẻ... “đồng tính luyến ái”. Hai con bạch tuộc đốm xanh đực và hai con cái có thể giao hợp cùng nhau và sinh ra những sát thủ con một cách bình thường!
Tên khoa học là Hapalochlaena lunulata. Kích thước tối đa không quá 50 mm. Có 8 tay ngắn. Sống ở các vùng triều san hô chết và các rạn san hô ven bờ. Phân bố tại Việt Nam ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Côn Đảo. Bạch tuộc đốm xanh có chứa độc tố tetrodotoxin cực độc trong tuyến nước bọt. Trên thế giới có 3 người bị bạch tuộc này cắn chết, ở Việt Nam cũng có 3 trường hợp bị cắn và hàng chục trường hợp tử vong khác do ăn bạch tuộc đốm xanh.
Ốc cối hoa
Ốc cối xạ thủ!.- Đại dương mênh mông, đại dương hiểm ác không cùng. Huyền thoại có vẻ hoang đường về thủy quái chắc hẳn không phải không có trong sự thật. Ở Trung Quốc ngày xưa, rắn được coi là tượng trưng cho thủy quái với hình tượng vua rắn Phương Chính Học (thế kỷ 14 – 15 trước công nguyên). Thủy quái đại diện cho lực lượng thiên nhiên hung dữ. Trong câu chuyện thủy quái lan man, PGS-TS Nguyễn Hữu Phụng, người đã dành cả đời nghiên cứu động vật biển, đã tiết lộ thêm một loài thủy quái họ ốc còn kỳ dị hơn cả bạch tuộc đốm xanh sống ở biển miền Trung, nhiều nhất là quần đảo Trường Sa. Ông Phụng: Tôi đã nhờ ngư dân bắt ốc cối hoa lưới nhưng thời gian qua, tìm chưa được. Mẫu được trưng bày ở viện này có cách đây đã 70 năm. Có lẽ do ốc cối hoa lưới sống ở những nơi hiểm hóc ngoài khơi gần quần đảo Trường Sa nên khó tìm. Tuy nhiên mấy năm trước đây, đã từng có 2 người bị loài ốc quái quỷ này bắn tên độc giết chết!
Loài ốc cối hoa lưới vỏ có dạng hình trứng, thuôn dài, láng, màu sắc của vỏ ốc này thay đổi liên tục, thường là màu trắng và màu xanh, sinh sống trên các vùng biển từ Đà Nẵng vào đến Vũng Tàu. Trên vỏ con ốc có một số vân hình mắc lưới màu nâu vàng. Ốc cối hoa lưới được mệnh danh: “xạ thủ biển khơi”, mang trong miệng những mũi tên dạng nang cực độc. Xạ thủ này chỉ tấn công người để phòng vệ. Đằng sau dáng vẻ lử đử lừ đừ là phản ứng tự vệ nhanh nhạy khi gặp đối thủ. Chỉ bằng một cú mở miệng ra, những mũi tên cực độc phun bắn thẳng vào đối phương. Nạn nhân bị trúng tên dẫn đến tử vong vì trong những mũi tên có chứa độc tố conotoxins.
Ốc cối địa lý
Tên khoa học là Conus geographus. Vỏ mỏng, dạng hình trứng, màu vỏ hơi trắng xanh chuyển sang tím. Sống ở các rạn san hô ven bờ. Phân bố ở Việt Nam từ vùng biển Đà Nẵng đến Bình Thuận. Loài ốc này khi cắn vào con mồi hoặc đối phương thì bắn ra những mũi tên có độc tố conotoxins. Đây là chất độc mạnh, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh và gây tử vong cho con người.
Ốc cối địa lý là to lớn nhất, độc địa nhất trong họ hàng nhà ốc. Độc tính của ốc cối địa lý đứng đầu trong các loại ốc cối. Theo thống kê, đã có ít nhất 5 trường hợp chết vì ốc cối địa lý. Thạc sĩ Đào Việt Hà, Trưởng Phòng Hóa sinh Viện Hải dương học Nha Trang - người nghiên cứu đề tài các sinh vật biển nguy hiểm chết người trăn trở: “Mỗi năm, các ca chết người do ăn hoặc bị các sinh vật nguy hiểm trên biển tấn công nhiều hơn. Thỉnh thoảng, lại phát hiện thêm một loài sinh vật biển quái dị như con cua mặt quỷ, con so... mới phát hiện trong thời gian gần đây! Ở một số nước, người ta xuất bản các cuốn guide book về những sinh vật biển nguy hiểm, độc hại để cảnh báo cho mọi người... Ở ta chỉ có cá nóc mới bị cấm...”.
Số nạn nhân bị bạch tuộc đốm xanh và ốc cối tấn công ở Việt Nam có thể xếp hàng đầu trên thế giới. Trong khi chờ đợi được phổ biến, những người đi biển phải tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa những loài sinh vật đẹp mắt mà mình chưa biết tên chính xác! Có thể đấy là thủy quái và bạn phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình!
Theo Việt Linh