Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với 3.200 km bờ biển và vùng thềm lục địa rộng lớn giàu tiềm năng. Nghề khai thác thủy sản ở nước ta từ lâu đã trở thành một nghề truyền thống. Hiện, cả nước có khoảng 132.000 tàu đánh cá các loại, trong đó có gần 23.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Để quản lý và hỗ trợ các đội tàu đánh bắt trên biển đang là mối quan tâm của ngành thủy sản và BĐBP các tỉnh, thành ven biển. Do số lượng tàu khai thác thủy sản và đặc thù của nghề cá có sự phân bố rộng khác các vùng biển Việt Nam nên việc quản lý của các cơ quan chức năng về vị trí, khu vực đánh bắt của các tàu thuyền hiện nay gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể đến công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng như công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên biển và an ninh chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản và quản lý các hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, ngày 5/5/2011, dự án Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR) đã chính thức được khởi động.
Đây là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Pháp được ký kết bằng nguồn vốn ODA của Chính Phủ Pháp. Trong đó, Công ty Collecte Localisation Satellites (CLS) của Pháp là nhà thầu chính của dự án, ký kết Hợp đồng với Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để cung cấp thiết bị, chuyển giao kỹ thuật công nghệ lắp đặt thiết bị và đào tạo cán bộ để sử dụng hiệu quả các thiết bị.
Dự kiến, Hệ thống Quan sát tàu cá này sử dụng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR) sẽ được triển khai tại Việt Nam trong thời gian 3 năm từ 2011 đến 2013 với 3 hạng mục chính, gồm:
1. Xây dựng Trung tâm Điều khiển tích hợp thông tin (Trung tâm THEMIS) đặt tại Hà Nội và 2 trung tâm giám sát, phía Bắc ở Hải Phòng và phía Nam ở Vũng Tàu;
2. Trang bị miễn phí 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá thuộc 28 tỉnh thành ven biển gồm: 2.850 thiết bị lắp đặt cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ làm các nghề câu mực, câu cá ngừ đại dương và một số loại nghề khai thác hải sản khác và 150 thiết bị dự phòng lắp đặt cho các tàu kiểm ngư và một số tàu thuộc đơn vị công ích.
3. Đào tạo, chuyển giao công nghệ sử dụng công nghệ vệ tinh, xử lý ảnh viễn thám cho đội ngũ cán bộ của Việt Nam làm việc tại Trung tâm THEMIS và các khu vực, Trung tâm bảo dưỡng thiết bị; hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị vệ tinh nhằm phục vụ hoạt động khai thác hải sản an toàn và hiệu quả trên biển.
Thiết bị vệ tinh của dự án MOVIMAR được lắp đặt trên tàu sẽ có chức năng truyền tự động dữ liệu về toạ độ và thời gian từ tàu tới Trung tâm giám sát trên bờ liên tục 2 giờ/ 1 lần. Với công nghệ hiện đại, Trung tâm THEMIS sẽ nhận, tách tín hiệu để chuyển vào máy tính và lưu trữ vào bản đồ số. Dữ liệu này giúp nắm bắt thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu cá trên biển thông qua ảnh chụp từ vệ tinh, trợ giúp ngư dân hoạt động khai thác biển hiệu quả, kinh tế. Đồng thời có thể hỗ trợ tàu trong mọi trường hợp khẩn cấp.
 
Hệ thống định vị vệ tinh có thể giúp bà con nhanh chóng xác định được ngư trường hoặc cảnh báo vùng biển có mối nguy hiểm hay nơi có bão… từ đó có thể định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc nơi tránh an toàn gần nhất. Bên cạnh đó, hệ thống cho phép phát hiện tràn dầu, cung cấp thông tin dự báo thời tiết, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ vùng lãnh thổ Việt Nam...
Như vậy, trong tương lai gần khi dự án này hoàn thành, không chỉ bà con ngư dân có thể yên tâm ra khơi mà các cơ quan chức năng có thể nâng cao hiệu quả quản lý đội tàu đánh bắt hải sản và quản lý tài nguyên, lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia. Từ đó, góp phần phát triển nền kinh tế và nâng cao tính chủ động trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của quốc gia.
Hằng Phương