Tôm hùm được mệnh danh là loài hải sản đem lại sự trù phú cho nhiều làng biển, sinh ra nhiều tỉ phú ở Phú Yên. Nhưng, sau 6 năm nuôi tôm hùm, khó ai có thể tin anh Nguyễn Thanh Hùng vẫn ở trong ngôi nhà chưa tới 30 mét vuông trống huơ trống hoác và đối mặt với một khoản nợ lớn. Cũng nuôi tôm hùm từng ấy năm, anh Nguyễn Văn Sanh quyết định đi tìm nghề khác để làm trả nợ vay ngân hàng. Họ không phải là những trường hợp cá biệt. Tôm hùm đang khiến nhiều người mất ăn mất ngủ.

SÁNG TRIỆU PHÚ, CHIỀU TRẮNG

Trong căn nhà nhỏ lợp tôn nằm ở lưng chừng một ngọn đồi thuộc thôn An Hạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, anh Nguyễn Thanh Hùng dường như vẫn còn thảng thốt vì bất ngờ mất đến gần 100 triệu chỉ trong vài giờ đồng hồ. 6 năm làm nghề nuôi tôm hùm giống, từ tay trắng, vợ chồng anh tích lũy được ít vốn, mua được đất nhưng chỉ dám xây ngôi nhà nhỏ. Bao nhiêu vốn liếng, lãi lời tích lũy sau mấy năm trời đổ mồ hôi với biển, anh quyết đầu tư vào con tôm hùm. “Mấy năm liền năm nào cũng kiếm một, hai chục triệu, năm nay tôi quyết định vay thêm ngân hàng 40 triệu nữa để làm ăn lớn hơn. Tất thảy tám lồng tôm hùm giống, gồm 800 tôm xanh và 200 tôm bông, nuôi 4 tháng trời, chỉ vài ngày nữa là xuất bán, vậy mà...” – người đàn ông 35 tuổi này đỏ hoe đôi mắt khi nhớ lại cái ngày “định mệnh” giữa tháng 5 vừa rồi, như thể nó vừa xảy ra hôm qua hôm kia gì đây thôi.

Anh kể: Buổi sáng, cho tôm ăn, lặn xuống nhìn thấy mê cả mắt. Những con tôm từ ngày mua về thân trong suốt, chỉ thấy hai con mắt, giờ đã lớn hơn ngón tay, ngón chân cái, tranh nhau ăn trong lồng. Lẽ ra tôm giống của anh xuất bán rồi, nhưng dù giá tôm giống tăng rất cao, tôm bông ở mức 270.000 đồng/con, còn tôm xanh thì cũng 60.000 đồng/con, anh quyết định nuôi ráng vài ngày để tôm đạt trọng lượng khá hơn. “Chiều đó, tôi lặn xuống thăm tôm lần nữa thì thấy cả lồng nằm nghiêng nằm ngửa. Trong đời chưa bao giờ tôi hoảng đến như vậy! Trong bụng cầu trời khấn Phật rằng đấy chỉ là những vỏ tôm lột xác, nhưng cái đầu tôi mách rằng chuyện khủng khiếp đã đến. Tôi lặn sang hai lồng khác bên cạnh, thấy cảnh tương tự. Nước mắt tôi trào ra ngay dưới làn nước biển”.

Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Hùng hoảng hốt, cầm những con tôm hùm của mình lên trước ống kính của các đồng nghiệp truyền hình. Nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt, miệng méo xẹo, anh lắp bắp: “Sao vầy nè trời, sao mà chết hết vậy?”. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người nuôi tôm hùm khóc!

Đâu chỉ riêng mình anh Hùng, cùng ngày hôm đó, hàng chục hộ dân nuôi tôm hùm giống ở Sông Cầu cũng rớt nước mắt vì tôm hùm đột ngột lăn ra chết. Theo ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 2, cả xã có 7 hộ với 4.450 con tôm hùm giống nuôi 4 tháng tuổi bị chết sạch. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương Ngô Đồng Tâm cho biết, ngày hôm đó, có 1.921 con tôm hùm giống và 1.023 con tôm thịt từ 7-9 lạng đã “chết đặc lồng”! Thống kê của UBND huyện Sông Cầu cho thấy, đến cuối tháng 6, toàn huyện có 100.000 con tôm hùm chết. Nhiều người nuôi tôm hùm buổi sáng còn là triệu phú, tỉ phú thì buổi chiều đã trắng tay, bởi bao nhiêu tiền của họ đều đầu tư hết cho các lồng tôm.

NHIỀU NGƯỜI ĐỊNH BỎ NGHỀ

Chúng tôi về thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, nơi có Vũng Mắm, Vũng Chào nuôi tôm hùm có tiếng. Đây là thôn nuôi tôm hùm bị thiệt hại nặng nhất trong vài tháng trở lại đây ở huyện Sông Cầu. Vào thời điểm thủy triều xuống thấp nhất trong ngày, đáy biển trơ một màu đen đặc quánh như bùn, nếu tính từ bờ ra đến mực nước biển khoảng gần cây số. Trên bờ, nhiều lồng tôm hùm đã được trục kéo lên, bỏ bê ngổn ngang, không sơn sửa, cạy hàu bám, móc lại chỗ lưới rách như mọi khi.

Trưởng thôn Nguyễn Minh Chỉ buồn buồn nói: “Cả thôn có 34 hộ nuôi tôm hùm thịt bị thiệt hại với 984 con, 8 hộ nuôi tôm giống thiệt hại 1.929 con. Tính chung số tiền mà bà con mất trắng đã là hơn 1 tỉ đồng rồi! Chưa bao giờ nghề nuôi tôm hùm ở đây bị thiệt hại lớn đến như vậy”.

Bây giờ ngày nào ở những vùng nuôi tôm hùm ở thôn Phú Mỹ này cũng có tôm chết. Tôm thịt vì “to xác” hơn nên chết rải rác, mỗi lồng một ngày mất 1-2 con; còn tôm giống thì thường chết đến cả chục con. Anh Đoàn Văn Toán, một người nuôi tôm hùm ở Phú Mỹ bộc bạch: “Người nuôi tôm hùm tính từng con bởi giá trị của chúng quá cao. Nuôi hàng chục năm nhưng hầu hết những hộ nuôi tôm hùm đâu biết thịt con tôm nó như thế nào bởi chẳng ai dám ăn cả! Vậy mà giờ đây, ngày nào cũng có tôm “rớt” đáy lồng. Bà con bây giờ hoang mang lắm”.

Hôm chúng tôi đến, nhiều bà con nuôi tôm hùm ở thôn Phú Mỹ chạy đi tìm mấy tư thương mua bán tôm hùm để năn nỉ họ đến mua, dù tôm ở mức giá rất thấp, chỉ 610.000 đồng/kg, giảm đến 90.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. “Phải nói là mặc áo dài đi năn nỉ mà mấy tư thương không chịu ra bè, ra lồng bắt tôm! Phần họ tiêu thụ không kịp, phần họ ngại tôm dịch bệnh vì nhiều người có tôm, bất kể lớn nhỏ gì cũng kêu bán tháo bán đổ hết” – anh Chỉ cho biết vậy.

6 năm theo nghề nuôi tôm hùm, sau vụ này, anh Nguyễn Văn Sanh quyết định bỏ nghề. Anh dự kiến đi bạn cho mấy chiếc tàu xa bờ hoặc tìm một việc gì đó để làm trong thời gian tới, sau khi bán được số tôm còn lại dưới lồng. “Vụ này tôi nuôi 400 con, đến nay đã hao mất hết hơn 70 con. Với lượng hao hụt 1-2 con/ngày như bây giờ, không biết đến khi đủ tuổi để bán (còn hơn 20 ngày nữa) thì số tôm của tôi còn được bao nhiêu. Lo đến mất ăn mất ngủ. Anh Sanh nói, không chỉ riêng mình anh, nhiều người khác trong thôn cũng có ý định bỏ nghề nuôi tôm để làm nghề khác.

“CẤP CỨU” TÔM HÙM

Nguyên nhân dẫn đến cái chết hàng loạt của hàng ngàn con tôm hùm ở Sông Cầu hồi nửa cuối tháng 5 vừa qua được các ngành chức năng dự đoán có thể là do thủy triều đỏ. Trưởng thôn Phú Mỹ Nguyễn Minh Chỉ nói: “Với thủy triều đỏ thì bà con chỉ có nước kêu trời. Tôi thấy khuyến cáo của ngành chức năng yêu cầu bà con di dời lồng, bè nuôi tôm đi nơi an toàn nếu phát hiện được thủy triều đỏ là điều không khả thi. Bởi lẽ thủy triều đỏ là dòng chảy rộng, khi phát hiện được thì chúng đã vào tới sát bờ rồi. Thêm nữa, làm nghề nuôi tôm hùm lâu năm, tôi thấy việc di chuyển lồng là rất khó khăn, đó là chưa biết trong tình huống hàng trăm hộ nuôi cùng lúc di dời thì sẽ thế nào. Còn nữa, nếu di dời tới điểm mới mà thủy triều đỏ lan tới nữa thì... làm sao?”. Ý kiến của anh Chỉ như muốn đặt ra vấn đề: Việc phát hiện, dự báo thủy triều đỏ cần phải sớm hơn vài ngày thì mới giúp người nuôi chủ động được. Điều đó thì chỉ có ngành chức năng mới làm được chứ bà con chỉ quanh quẩn trong khu vực nuôi của mình làm sao biết được!

Nhưng nguyên nhân mà lãnh đạo các địa phương và cả người nuôi tôm nghi ngờ lớn nhất đối với việc tôm chết lai rai trong thời gian gần đây là do ô nhiễm môi trường. Chủ tịch xã Xuân Thọ 2 Nguyễn Thành nói: “Đặc trưng của vùng biển Sông Cầu là vũng, vịnh kín gió, nước ít chảy. Bởi vậy, khi nuôi với mật độ dày, người nuôi lại thiếu ý thức khi hàng ngày họ thả hàng chục tấn thức ăn tạp xuống các lồng, thức ăn thừa đổ luôn xuống biển... Lượng thức ăn ôi dư tích tụ lâu ngày chắc chắn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nuôi và phát sinh dịch bệnh trên tôm”.

Dù thế nào chăng nữa thì những nghiên cứu về an toàn trong nuôi tôm hùm đang là vấn đề cần kíp khi dịch bệnh và việc tôm chết hàng loạt đã xảy ra như hiện nay. Người nuôi tôm hùm Phú Yên đang dồn niềm hy vọng, dõi sự mong chờ của họ về phía những nhà khoa học, những nhà quản lý thủy hải sản.

Còn một điều mong mỏi khác mà những người nuôi tôm hùm thất bát ở huyện Sông Cầu nhờ chúng tôi “kêu” giúp, đó là các ngân hàng hãy khoanh nợ, giãn nợ cho họ. “Chúng tôi thực sự trắng tay, nếu phải gánh thêm lãi ngân hàng thì...” – anh Nguyễn Thanh Hùng bỏ lửng câu nói khi tiễn chúng tôi ra khỏi ngôi nhà tôn nhỏ bé, trống huơ trống hoác – nhưng là tài sản giá trị lớn nhất sau 6 năm đeo đuổi nghề nuôi tôm hùm của anh.

Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu Đinh Văn Sang: Dịch bệnh tôm hùm nuôi trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của đại bộ phận dân cư ở các vùng biển huyện Sông Cầu. Theo tôi, các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường nghiên cứu, sớm tìm ra nguyên nhân chính cũng như các giải pháp phòng bệnh tôm một cách có hiệu quả nhất, nhằm giúp ngư dân khôi phục và phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững.

Về trách nhiệm của địa phương, UBND huyện Sông Cầu đang huy động nguồn vốn để làm thí điểm quy hoạch vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, trên cơ sở đó cộng đồng những người nuôi tôm sẽ cùng nhau quản lý vùng nuôi này khép kín từ khâu chọn giống, xử lý môi trường, mật độ nuôi, thức ăn… nhằm từng bước xây dựng vùng nuôi không ô nhiễm và sạch bệnh. Từ đó, sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng ở các vùng nuôi khác. NGUYÊN LƯU, NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG