Ảnh: Đ/C Phạm Huy Sơn – Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách báo cáo với đ/c Nguyễn Văn Thành và đoàn công tác

Chuẩn bị ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, sáng 8-3, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố làm việc tại Viện Nghiên cứu Hải sản. Cùng làm việc có các đồng chí: Đan Đức Hiệp, Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Nguyễn Hữu Doãn, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và lãnh đạo các ngành liên quan. Về phía Viện NCHS có đồng chí Phạm Huy Sơn - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng phụ trách, các đồng chí trong BCH Đảng ủy, Lãnh đạo Viện, Chủ tịch Hội đồng Khoa  học, một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Viện, đại diện các các đơn vị trực thuộc.

Thay mặt BCH Đảng ủy và Lãnh đạo Viện, đồng chí Phạm Huy Sơn đã Báo cáo tóm tắt Kết quả hoạt động Khoa học Công nghệ của Viện trong thời gian qua và định hướng nghiên cứu trong thời gian tới phục vụ trực tiếp cho ngành thủy sản thành phố Hải Phòng. Tiếp theo các đồng chí tham dự hội nghị đã phát biểu đóng góp thêm các ý kiến bám sát các nội dung theo gợi ý của đồng chí Bí thư Thành ủy.

 Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học. Từ thực tiễn hoạt động nghiên cứu, các ý kiến phân tích sâu làm rõ hơn bức tranh về kinh tế thủy sản thành phố. Với tiềm năng, vị thế của thành phố biển, ngành kinh tế thủy sản của Hải Phòng, trong đó các nhành khai thác,chế biến và nuôi trồng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nên sản lượng đánh bắt, nuôi trồng giảm. Nhiều doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất nên phải nhập khẩu nguyên liệu, hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng sang các sản phẩm khác.

Các nhà khoa học đề nghị thành phố sớm thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế biển, du lịch và kinh tế thủy sản, đồng thời sớm quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chế biến cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường để phát triển nuôi trồng thủy sản gần bờ hoặc xa bờ; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Thành phố tranh thủ nguồn vốn triển khai dự án cấp bộ hoặc cấp nhà nước. Ngoài các sản phẩm truyền thống như Nước mắm Cát Hải, Đồ Hộp Hạ Long, chả cá Hạ Long, Agar…. một số ý kiến đề nghị thành phố tập trung khai thác và phát triển một số sản phẩm thủy sản mang thương hiệu của Hải Phòng như: tu hài, bào ngư chín lỗ, các sản phẩm giá trị gai tăng từ sứa và ngao…; tổ chức chuyển giao, hướng các tổ chức/cá nhân tham gia nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ khai thác, chế biến, nuôi trồng. Đồng thời, thành phố ban hành cơ chế khuyến khích, tạo sự kết nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý, cơ sở sản xuất để sớm đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Những ý kiến, đề xuất những cơ chế, chính sách giúp Thành ủy có cơ sở và những giải pháp cụ thể xây dựng và ban hành Nghị quyết đầu tiên của thành phố về KHCN.

Khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản góp phần vào sự phát triển KHCN của cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng; đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị Đảng ủy, Lãnh đạo và các nhà khoa học của Viện tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ nhà khoa học chất lượng, lấy kết quả nghiên cứu KHCN làm then chốt; tích cực tham gia nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản, phục vụ phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng. Đồng chí yêu cầu các ngành tham mưu với thành phố đổi mới cơ chế quản lý theo hướng đặt hàng nhà khoa học; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia nghiên cứu để góp phần xây dựng ngành Thủy sản Hải Phòng ngày càng lớn mạnh.


Nguyễn Xuân Thi, Văn phòng Đảng ủy