Sửa lại bờ bao, lắp cống thoát nước cho ao nuôi cá ở Cam Thịnh Đông.
Vài năm trở lại đây, nghề nuôi tôm lao đao, nhiều người chuyển sang nuôi cá. Tuy nhiên, không phải loài cá nào nuôi cũng phù hợp. Có loài càng nuôi càng lỗ, gây khốn khó cho người nuôi. Việc lựa chọn đối tượng nuôi thế nào để bảo đảm tính ổn định và bền vững là vấn đề đặt ra. Giải quyết bài toán này, một lần nữa đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
° BẤP BÊNH… NUÔI CÁ MÚ
Làng nuôi thủy sản Cam Hải Tây (Cam Lâm, Khánh Hòa) một ngày cuối tháng 8. Trên con đường vào làng, dọc đầm Thủy Triều có nhiều ao, đìa nuôi san sát nhau. Mùi tanh bốc lên từ các ao, đìa theo gió phả vào mặt người. Tôi gặp anh Trịnh Văn Tiến, một chủ đìa nuôi cá mú tại đây. Anh Tiến cho biết: “Tôi mua đìa từ năm 1994, đến nay đã nuôi nhiều vụ, hết tôm sú lại đến cá. Nói thật với anh, nuôi cá mú rất bấp bênh. Những năm đầu, do không biết ương, cá giống chỉ bằng hạt dưa hao hụt rất nhiều, về sau mua cá giống lớn hơn, ít hao hơn thì giá lại rớt. Giá 1kg cá mú hiện nay chỉ 81 - 82 ngàn đồng/con (loại 1kg), cá lớn giá còn thấp hơn mà bán không được. Cá giống phải mua trôi nổi từ thương lái nghe nói nhập của Đài Loan hay Trung Quốc gì đó, ở ta chưa sản xuất được. Trước đây, giá giống 4 ngàn đồng/con, bây giờ tăng lên 20 - 22 ngàn đồng/con…”. Anh Tiến lo lắng cho “số phận” của đàn cá mú hơn 2.000 con dưới ao, đã lớn hơn 2kg/con mà vẫn chưa bán được do giá thấp nhưng hàng ngày anh vẫn phải lo “chạy ăn” cho chúng toát mồ hôi.
Theo sự chỉ dẫn của anh Tiến, tôi tìm đến nhà anh Phan Hữu Đông, một nông dân chuyên nuôi cá mú ở Cam Đức (Cam Lâm). Anh Đông có 3,5 ha đìa thả nuôi 35.000 con cá mú. Anh phân tích: “Người nuôi cá mú bây giờ “bỏ của chạy lấy người” rồi. Giá cá quá thấp nuôi làm sao có lời? Tôi bán đợt trước, một ngày 4 - 5 tạ cá, lỗ vài chục triệu đồng. Cá càng lớn càng khó bán. Thời gian nuôi lại quá dài (12 - 15 tháng), nếu vay tiền nuôi cá càng lỗ nặng…”. Do giá cá mú bấp bênh, nhiều người không trụ được đã chuyển sang nuôi cá chẽm hay tôm thẻ chân trắng. Chỉ riêng anh em nhà anh Đông (10 hộ) đã có hơn 30 ha ao nuôi cá, nay hầu hết chuyển sang nuôi cá chẽm. Anh Đông than: “Đến mùa bán cá là dở khóc, dở cười. Kêu thương lái họ không muốn đến. Người bán cá càng nhiều, thương lái càng mặc sức ép giá. Đã vậy tiền lại đưa chậm. Nhiều thương lái không muốn thu hoạch một lần mà gửi cá lại cho nông dân. Tiền bán cá không muốn trả. Lấy tiền thì đồng mọc, đồng lặn…”.
Trước đây, nhiều người chuyển sang nuôi cá mú vì nuôi tôm dịch bệnh nhiều và giá cá mú chấp nhận được (trên 160.000đ/kg). Khoảng 1 năm trở lại đây, giá cá mú rớt thê thảm, có khi chỉ còn 76.000đ/kg (loại 1,3kg/con), loại lớn (1,4kg/con) chỉ 58.000đ/kg, người nuôi cá thua lỗ nặng. Tuy nhiên, do cá mú không kén thức ăn, dễ chăm sóc, ít bệnh, nuôi cỡ nào cũng có thể bán được, có thể chờ giá lên mới bán nên nhiều người vẫn theo đuổi chờ… thời.
° NUÔI CÁ CHẼM… ỔN ĐỊNH
Sục khí tạo oxy trong ao nuôi.
Sau một hồi ngụp lặn dưới nước, anh Đoàn Văn Bình (Hòa Diêm, Cam Thịnh Đông) mới ngẩng lên thở phì phì, nói: “Hôm nay cá ăn tốt, không còn thừa bao nhiêu…”. Ngày nào cũng vậy, sau khi cho cá ăn, anh Bình lại tranh thủ lặn xuống xem cá ăn có hết không để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vụ này nuôi hơn 0,5 ha cá chẽm, anh Bình vững tin về đầu ra của sản phẩm. Anh nói: “Hiện nay giống cá chẽm mua tại địa phương thông qua các trại giống như Tân Quý, Hoàng Tình. Cá giống bằng hạt dưa giá cỡ 700 - 800đ/con. Nuôi trong vòng 1 năm trở lại, bình quân khoảng 1 - 1,2kg/con, giá cá thịt hiện tại là 51 - 52 ngàn đồng/kg. Nuôi cá chẽm bây giờ khỏe lắm. Có bao nhiêu thương lái cũng mua hết…” Tôi nhìn phía góc ao, dãy chong chóng quạt nước đang làm việc liên tục, tiếng máy nổ xình xịch làm bọt nước tung trắng xóa. Anh Bình cho biết: Nuôi cá bây giờ cũng sử dụng máy sục khí như nuôi tôm…
Mấy năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Thành Tâm (Tân Thành, Cam Thành Bắc, Cam Lâm) tập trung vào nghề nuôi cá chẽm, sau khi rút kinh nghiệm từ mấy vụ nuôi cá mú không có lãi. “Tụi em chuyển qua nuôi cá chẽm cách đây 3 năm. Mấy năm trước bán giá 35.000đ/kg lời ít, nay giá lên 50.000đ/kg, lời hơn. Nuôi cá chẽm ổn định hơn cá mú. Con giống sẵn, hao hụt ít, có đầu ra ổn định vì các công ty thủy sản thu mua làm cá fi-lê xuất khẩu…”. Vụ này, vợ chồng anh Tâm nuôi 1 ha cá chẽm. Anh Tâm cho biết, bình quân 4.000m2 đầu tư hết 170 triệu đồng, tính ra 1 ha thu hoạch được 6 tấn cá, mỗi năm trừ chi phí cũng lời trên dưới 100 triệu đồng, đủ trang trải trong gia đình cả năm.
Nghề nuôi cá chẽm đang phát đạt nhờ giá cả ổn định, nguồn giống chủ động. Hiện nay nhiều trại giống tôm trước đây đã chuyển sang ương nuôi cá chẽm. Giống lấy từ các cơ sở sản xuất trong tỉnh như: Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Ở Cam Ranh có nhiều nơi bán cá giống như: Tân Quý, Hoàng Tình… Do đầu ra ổn định, lại là mặt hàng xuất khẩu của nhiều công ty xuất khẩu thủy sản nên người dân đổ xô nuôi cá chẽm. Xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) là một ví dụ, 90% hộ nuôi thủy sản hiện nay đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh) có 400 ha đìa nuôi thì đã có đến 300 ha nuôi cá chẽm.
° ĐÂU LÀ HƯỚNG ĐI ĐÚNG?
Rõ ràng việc nông dân chuyển sang nuôi cá chẽm là tín hiệu vui phù hợp với quy luật thị trường. Nông dân đã biết sản xuất những gì thị trường cần. Tuy nhiên, nghề nuôi cá cũng lắm thăng trầm. Lúc được giá ai nấy đều phấn khởi, lúc rớt giá thì kêu trời. Anh Bùi Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Lập (Cam Ranh) phân tích, nghề nuôi cá chẽm mới phát triển ở đây, nhiều nông dân nuôi cá chẽm ở Cam Lập bước đầu có lãi, có người nuôi 0,5 ha đã lãi ròng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chẽm cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Thứ nhất, nguồn thức ăn không thể chủ động, còn phụ thuộc vào nguồn cá tạp, lúc lên lúc xuống. Lúc biển động đẩy giá cá tạp lên cao, trong khi cá chẽm ăn rất mạnh, hệ số tiêu tốn thức ăn lớn. Nếu luyện cho cá ăn thức ăn công nghiệp thì không lo chuyện cá tạp lên giá, cũng khỏi lo ô nhiễm. Thứ hai, “đầu ra” hiện nay chưa bền vững. Nếu nuôi không đạt, hao hụt nhiều, cá chậm lớn, có thể lỗ. Con giống hiện nay khá an tâm vì đã có. Nhiều đơn vị, cơ sở cung cấp nguồn con giống có chất lượng. Nghề nuôi cá đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi chậm, nhanh nhất phải 1 năm nhưng việc cho vay vốn của Ngân hàng có giới hạn, mức cho nông dân vay cao nhất dưới 30 triệu đồng trong khi chi phí lại vượt con số này nhiều lần. Đơn cử, nuôi 5.000 con, chi phí 150 triệu đồng, một ngày tiền ăn bình quân 1 triệu đồng. Điều này lý giải vì sao hiện nay nhiều nông dân Cam Thịnh Đông, Cam Lập bán đìa vì không có vốn để nuôi cá.
Ao đìa nuôi cá chẽm san sát nhau.
Thấy được triển vọng của nghề nuôi cá chẽm ở Cam Ranh và các địa phương khác, mới đây thị xã Cam Ranh đã tổ chức hội thảo về nuôi cá chẽm, thu hút nhiều cơ quan khoa học, nhà cung cấp giống, doanh nghiệp thủy sản, Hội Nghề cá, Ngân hàng và bà con nông dân. Ông Trần Văn Ớt, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, UBND thị xã có kế hoạch chỉ đạo phát triển nghề nuôi cá chẽm trên địa bàn thị xã…
Hơn lúc nào hết, nghề nuôi cá đòi hỏi sự quan tâm và liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà. Giải quyết được vấn đề này mới hy vọng người nông dân thoát khỏi cảnh lao đao thăng trầm của nghề nuôi cá.
QUANG VIÊN (Nguồn vietlinh)