Chỉ trong 10 năm, thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với doanh số XK tăng gấp 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 đến 6 tỷ USD năm 2011. Với những kết quả đạt được trong năm 2011, các DN thủy sản Việt Nam bắt đầu hướng tới con số 10 tỷ USD đến năm 2020 theo mục tiêu chiến lược phát triển XK thủy sản giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về XK thủy sản trên thế giới...

Tính đến hết tháng 10/2011, kim ngạch XK thủy sản Việt Nam đã đạt gần 5 tỷ USD, hai tháng cuối năm dự kiến được 1 tỷ USD và kim ngạch XK cả năm 2011 sẽ đạt 6 tỷ USD. Trong cơ cấu thị trường XK 10 tháng đầu năm nay, EU là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,5% tổng giá trị, Mỹ chiếm 19,2%, Nhật Bản chiếm 15,9%, Hàn Quốc chiếm 7,7%, Trung Quốc chiếm 5,7%, ASEAN chiếm 5,1%, Ôxtrâylia chiếm 2,6% và 21,2% là các thị trường khác. Tôm vẫn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu dẫn đầu, chiếm 39,8%, tiếp đó là cá tra, basa chiếm 30,3%, cá khác chiếm 12%, nhuyễn thể chiếm 9,8%, cá ngừ chiếm 6,4%, và các loài khác.

Cho đến nay, chế biến thủy sản Việt Nam là ngành công nghiệp có tốc độ phát triển mạnh và ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Doanh số XK thủy sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng khoảng 15 - 20%/năm. Chỉ trong 10 năm, thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với doanh số XK tăng gấp 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 đến 6 tỷ USD năm 2011.

Với những kết quả đạt được trong năm 2011, các DN thủy sản Việt Nam bắt đầu hướng tới con số 10 tỷ USD đến năm 2020 theo mục tiêu chiến lược phát triển XK thủy sản giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về XK thủy sản trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức trước mắt đặt ra đối với các DN XK thủy sản:

1. Thách thức về thiếu nguyên liệu cho chế biến XK

Năm 2011, tổng khối lượng thủy sản XK Việt Nam ước đạt trên 1,5 triệu tấn, được chế biến chủ yếu từ nguồn nguyên liệu trong nước (70% từ nuôi trồng, 30% từ khai thác tự nhiên). Sản lượng tôm nuôi ước đạt 500.000 tấn, trong đó trên 200.000 tấn tôm chân trắng phục vụ XK. Diện tích nuôi cá tra chỉ có 6.000 ha và đạt sản lượng 1,2 - 1,3 triệu tấn cá đủ tiêu chuẩn XK.

Tuy nhiên hiện nay, chi phí đầu vào cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng quá lớn, nguồn cung cấp nguyên liệu khan hiếm, thiếu ổn định,... Các DN thủy sản vẫn thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, năm 2011 phải nhập trên 500 triệu USD thủy sản để chế biến XK, đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Do đó, để đạt được mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD vào năm 2020, bài toán nguyên liệu phải được giải quyết bằng cả 2 giải pháp chính là:

a) Nâng cao sản lượng và mức độ chế biến trong nước

- Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cùng với bảo vệ môi trường và quản lý đồng bộ về chất lượng các khâu con giống, thức ăn, thuốc thú y... trong hoạt động nuôi tôm và cá tra cũng như các loài thủy sản khác, nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

- Giảm thất thoát sau thu hoạch đi 10 - 20% giúp cho nguồn nguyên liệu thủy sản chất lượng hơn, làm tăng đáng kể lượng nguyên liệu cung ứng cho chế biến.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng, giảm tỷ trọng giá thành nguyên liệu; phát triển nhanh tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường XK.

b) Tăng cường NK nguyên liệu

- Chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam cần chủ động thu hút khách hàng mang nguyên liệu tới để chế biến; phấn đấu tăng NK nguyên liệu thủy sản từ mức 500 triệu USD hiện nay lên 2,5 - 3,0 tỷ USD/năm vào năm 2020 để tận dụng năng lực chế biến lớn (trên 2,5 triệu tấn/năm), điều kiện VSATTP tốt nhất khu vực, lực lượng công nhân dồi dào, lành nghề, phí gia công thấp...

- Bên cạnh việc tăng cường NK các loại nguyên liệu thủy sản đánh bắt trong nước đang thiếu (như mực, bạch tuộc, tôm biển, cá biển...), Việt Nam cần tăng cường nhập các loài thủy sản nuôi (tôm, cá,...) từ một số nước chưa có khả năng cạnh tranh về công nghiệp chế biến.

- Tăng cường hợp tác khai thác, nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam để chế biến tái xuất.

2. Thách thức về chất lượng, VSATTP và năng lực cạnh tranh

Càng ngày, các thị trường NK càng yêu cầu thêm nhiều quy định về VSATTP. Do đó, việc đảm bảo kiểm soát VSATTP toàn chuỗi sản xuất của DN và các bên tham gia chuỗi nhằm đạt chất lượng, VSATTP và năng lực cạnh tranh cao đang là thách thức lớn đối với ngành thủy sản.

Do đó, cần có các giải pháp sau:

a) Nhà nước cần hỗ trợ cộng đồng DN thiết lập hệ thống kiểm soát chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chuẩn, quy phạm, quản lý chất lượng, VSATTP trong tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu, thu gom, vận chuyển, chế biến đến XK.

b) Đẩy mạnh triệt để các biện pháp xã hội hóa để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý chất lượng, VSATTP của mỗi DN, người nuôi trong chuỗi sản xuất, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm tra bắt buộc lô hàng XK do cơ quan nhà nước thực hiện.

c) Chính phủ bảo đảm hệ thống tài chính, tín dụng về cơ bản ổn định để hỗ trợ nông ngư dân nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần hạ giá thành sản xuất, ổn định chất lượng VSATTP nguyên liệu thủy sản.

3. Thách thức về phát triển thị trường XK

Mặc dù thủy sản Việt Nam đang có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, nhưng những biến động kinh tế có thể ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng thủy sản trong tương lai. Bên cạnh đó, trước sức ép suy giảm kinh tế toàn cầu, các nước gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước, đưa ra ngày càng nhiều các rào cản thương mại, kể cả truyền thông bôi xấu. Việc tiếp tục củng cố và gia tăng thị phần tại các thị trường là một thách thức lớn cho XK thủy sản Việt Nam.

Xin kiến nghị các giải pháp sau:

a) Chính phủ cần đầu tư nghiêm túc và hỗ trợ cộng đồng DN đẩy mạnh hoạt động quảng bá thủy sản Việt Nam ra nước ngoài thông qua nhiều hình thức xúc tiến thương mại, giới thiệu đầy đủ thông tin về hệ thống khai thác, nuôi trồng, chế biến được kiểm soát tốt bằng các hoạt động tiếp thị chuyên nghiệp.

b) Chủ động vượt qua các rào cản thương mại, tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác nhằm hạn chế tác động của các vụ kiện, phối hợp cùng các nhà NK trong công tác truyền thông để phản bác những thông tin sai lệch về thủy sản Việt Nam.

c) Thật sự giảm tối đa các thủ tục hành chính gây chi phí lớn cho sản xuất và XK thủy sản, tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng DN nhằm nâng cao uy tín, sức cạnh tranh và giá trị của thủy sản.

Để biến kế hoạch XK 10 tỷ USD năm 2020 thành hiện thực, cộng đồng DN thủy sản rất mong được sự đồng hành của các cơ quan nhà nước!

Nguồn tin: Vasep, 02/12/2011