Trong nhiều năm qua, nhiều tai nạn tàu cá đã xảy ra, không những gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh mạng và tài sản của ngư dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của Ngành Thủy sản.
Chỉ riêng năm 2006, ngoài tai nạn do các cơn bão gây ra làm chìm, đắm hàng chục tàu cá, làm chết và mất tích hàng trăm người, làm hàng ngàn tàu bị hư hại do va đập… thì theo thông tin tổng hợp từ các địa phương và Ðài thông tin Duyên hải, trên vùng biển Việt Nam đã xảy ra 73 vụ tai nạn với 55 tàu cá và 447 ngư dân.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân các tai nạn xảy ra đều do các yếu tố kỹ thuật hoặc do sự chủ quan của con người như:
- Tàu bị vỡ, phá nước do thân tàu bị mục nát hoặc vượt quá khả năng an toàn của tàu.
- Tàu bị chìm đắm do các cửa, nắp hầm không kín nước dẫn đến nước tràn vào các khoang khi gặp sóng to, gió lớn.
- Tàu bị hư hỏng máy, hệ trục do sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu hoặc do người sử dụng không thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng máy tàu.
- Tàu bị đâm, va do không có các trang thiết bị tín hiệu (đèn, còi), trang thiết bị hàng hải hoặc do không có người cảnh giới khi hành trình cũng như khi neo đậu.
- Tàu bị va đập khi neo đậu do neo và dây neo không đủ độ bền, do neo đậu không có kỹ thuật.
- Người rơi xuống nước khi làm việc và sinh hoạt do bất cẩn của thuyền viên.
Có thể nói, các tai nạn xảy ra đều đã được báo trước, khi mà hầu hết các tàu cá, các trang thiết bị lắp đặt trên tàu chưa có các cơ chế đảm bảo chất lượng đóng lắp, sản xuất; hầu hết các tàu cá đều lắp máy đã qua sử dụng làm máy chính trên tàu; đa số ngư dân chưa có đủ nhận thức và năng lực vận hành con tàu; cơ quan đăng kiểm tàu cá vừa yếu, vừa thiếu về cán bộ, về cơ sở vật chất.
Ðể khắc phục được các nguyên nhân trên, đòi hỏi Ngành Thuỷ sản phải có được lời giải cụ thể cho các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, cụ thể là giải quyết các mâu thuẫn giữa:
- Ðảm bảo an toàn với điều kiện kinh tế hiện tại của ngư dân.
- Hiện đại hoá đội tàu với năng lưc sử dụng của ngư dân.
- Phát triển nghề cá xa bờ với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của đất nước.
Hiện tại, Bộ Thuỷ sản đã xây dựng và trình Chính phủ Chương trình tổng thể về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá với mong muốn các mâu thuẫn nêu trên từng bước sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, đây là việc làm đòi hỏi có thời gian, kinh phí nhất định.
Trong thời điểm hiện tại, vì cuộc sống của bản thân, gia đình, ngư dân vẫn phải đi biển với xu hướng ngày càng ra xa bờ, bất chấp mọi hiểm họa luôn rình rập. Mặc dù biết rằng, chiếu theo các tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước thì hầu hết các tàu cá sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoạt động, song các cơ quan nhà nước vẫn phải chấp nhận để tàu cá ra biển. Do vậy, việc tìm ra các giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu các tai nạn tàu cá như đã xảy ra trong thời gian qua, đã và đang được Bộ Thuỷ sản quan tâm.
Từ tháng 2/2006 đến nay, Bộ Thuỷ sản đã có nhiều các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định hiện hành phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất nghề cá. Với vai trò của mình, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng đã có nhiều biện pháp đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp với các Sở Thuỷ sản, các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tàu cá tại từng địa bàn, cơ sở. Tuy thời gian chưa nhiều, song công tác quản lý tàu cá nói chung và công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá nói riêng của toàn ngành đã có nhiều chuyển biến, góp phần hạn chế tai nạn tàu cá trên các vùng biển.
Tuy nhiên, các hoạt động nói trên mới chỉ là những biện pháp mang tính tổ chức, hành chính để tạo ra bề sâu trong việc giảm thiểu tai nạn tàu cá, cần có những biện pháp mang tính kỹ thuật và vấn đề này hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các đơn vị đăng kiểm tàu cá.
Qua sự phân tích nêu trên, xin đưa ra một số biện pháp cần được cơ quan đăng kiểm tàu cá triển khai, đó là:
1- Thiết lập các mẫu tàu cá định hình ở từng địa phương, một mặt làm cơ sở đánh giá chất lượng đội tàu cá hiện có, tạo cơ hội cho việc giám sát đóng mới dảm bảo chất lượng, mặt khác giúp cơ quan đăng kiểm tàu cá có cơ sở phân cấp tàu, từ đó giúp các cơ quan quản lý tàu cá xác định được khu vực hoạt động của từng nhóm tàu cá để có các biện pháp tổ chức sản xuất phù hợp.
2- Từ việc đánh giá chất lượng đội tàu, tiến hành phân loại tàu theo tuổi thọ, theo vùng hoạt động và theo khả năng an toàn của tàu để có các biện pháp hạn chế hoạt động đối với các tàu đã hoạt động nhiều năm, các tàu hạn chế về khả năng an toàn thông qua việc tăng cường tần suất kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu này.
3- Tăng cường khâu quản lý kỹ thuật với các tàu cá, đảm bảo các tàu cá đều có hồ sơ kỹ thuật để theo dõi quản lý con tàu từ khi đóng lắp, trong quá trình sử dụng cho đến khi giải bản (thay thế, hoặc phá huỷ). áp dụng ngay chế độ kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ, trước mắt là đối với các tàu cá xa bờ.
4- Chỉ đạo các đăng kiểm viên tăng cường chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật; kiểm tra các trang thiết bị trên tàu mà thời gian qua chưa được quan tâm đầy đủ như: hệ thống đèn hiệu, hệ thống neo (neo và dây neo), cứu hoả, chống đắm, chống thủng...
5- Ðưa ra khuyến cáo bằng văn bản cho ngư dân (chủ tàu) về tình trạng chất lượng của tàu với các đề xuất cụ thể để nâng cao khả năng an toàn, và cho thuyền trưởng về trạng thái an toàn của tàu (thông báo ổn định), về các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, đặc biệt là trong điều kiện mưa bão.
6- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp có liên quan :
- Triển khai các mô hình tổ đội sản xuất trên biển, nhằm áp dụng biện pháp hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất cũng như trong tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng ngư dân. Ðây cũng là biện pháp nhằm tăng cường khả năng an toàn của con tàu, khi ngư dân chưa đủ điều kiện kinh tế để trang bị các trang thiết bị an toàn theo quy định
- Tăng cường nâng cao nhận thức của ngư dân trong công tác đảm bảo an toàn và tự giác thực hiện các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; tổ chức các lớp huấn luyện cho ngư dân sử dụng các trang thiết bị trên tàu, các kiến thức và kinh nghiệm trong việc phòng ngừa tai nạn.
- Có biện pháp yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu vào kiểm tra đúng thời hạn và ngăn chặn không cho các tàu thuyền không đủ giấy tờ ra biển.
- Xây dựng cơ chế phối hợp với các ngành, các cấp, đặc biệt là với cấp huyện, xã để đưa ra các biện pháp quản lý tàu cá phù hợp nhằm giảm tải, tạo điều kiện để các cơ quan đăng kiểm tàu cá tập trung nâng cao chất lượng đăng kiểm tàu cá đối với các tàu cá có nguy cơ không đảm bảo an toàn (nghề vây, câu khơi...)
Với các biện pháp nêu trên, nếu làm tốt, cơ quan đăng kiểm tàu cá không những góp phần trong việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản mà còn tăng cường vị thế của mình trong Ngành Thủy sản cũng như trong cộng đồng ngư dân.
Theo Fistenet